Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã hội hóa đầu tư dự án cải tạo QL 1: Giảm bớt gánh nặng ngân sách

Tuấn Lương| 22/04/2013 06:26

(HNM) - Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì đến năm 2020 chỉ có một số đoạn tuyến quốc lộ 1 được nâng cấp, cải tạo.

Việc huy động các nguồn lực của xã hội thông qua hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) là một trong những giải pháp để hoàn thành cơ bản dự án mở rộng tuyến QL huyết mạch này vào năm 2016, hoàn thành toàn bộ vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Xã hội hóa đầu tư mở rộng quốc lộ 1

QL1 từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh dài hơn 1.700km là tuyến huyết mạch Bắc-Nam. Tuy nhiên, hiện một số đoạn đã quá tải, xuống cấp nghiêm trọng, vừa không đáp ứng được về năng lực vận tải, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của các tỉnh có QL1 đi qua và của cả nước, việc đầu tư nâng cấp mở rộng toàn tuyến là cần thiết và cấp bách.


Theo chỉ đạo của Chính phủ, QL1 sẽ được mở rộng, nâng cấp với 4 làn xe. Đến năm 2016 sẽ cơ bản mở rộng xong các đoạn, tuyến trọng yếu và đến năm 2020 sẽ hoàn tất dự án. Tổng số vốn dự toán cho dự án này khoảng 120.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, đây là số vốn quá lớn trong bối cảnh NSNN eo hẹp. Bởi vậy, để có đủ kinh phí phải huy động nguồn lực của xã hội qua hình thức BOT và PPP (hợp tác công tư). Trong tổng số hơn 1.700km từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT sẽ triển khai khoảng 1.000km theo hình thức BOT, 700km được đầu tư bằng NSNN. Các đoạn được đầu tư bằng vốn NSNN sẽ xen kẽ với đoạn đầu tư BOT.

Đến nay đã có một số nhà đầu tư (NĐT) đầu tư vào các đoạn tuyến cải tạo, mở rộng QL1 theo hình thức BOT. Tổng Công ty CIENCO4 với đoạn tuyến nam cầu Bến Thủy-tuyến tránh TP Hà Tĩnh; Tổng Công ty CIENCO5 đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam; Liên danh Tổng Công ty CIENCO4 và Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa)-Cầu Giát (Nghệ An); Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đoạn Đồng Nai-Phan Thiết… Trong giai đoạn năm 2013-2014, sẽ có thêm nhiều NĐT tham gia các dự án mở rộng QL1 theo phương thức BOT.

Giảm áp lực cho người dân và doanh nghiệp

NĐT sau khi bỏ vốn làm đường theo phương thức BOT sẽ được quyền thu phí đường bộ nhằm thu hồi vốn trước khi bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Liên danh NĐT CIENCO4-Tổng Công ty 319 đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng triển khai đoạn Nghi Sơn-Cầu Giát sẽ được quyền thu phí tại trạm Hoàng Mai trong 20 năm 1 tháng; Tổng Công ty 319 đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng triển khai đoạn Phan Thiết-Đồng Nai sẽ được sử dụng trạm thu phí Sông Phan trong 22 năm. Để được khai thác trạm thu phí Tam Kỳ trong 23 năm, NĐT CIENCO5 phải chi 1.600 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng 40km đoạn qua tỉnh Quảng Nam… Theo Bộ GTVT, để thực hiện thành công 1.000km theo hình thức BOT, trên tuyến QL1 sẽ có khoảng 24 trạm thu phí.

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải lo ngại, sau khi đã nộp Quỹ Bảo trì đường bộ, việc hình thành thêm hàng loạt trạm thu phí như vậy sẽ tạo gánh nặng cho DN và người dân. Thêm vào đó, kể từ năm 2016, mức thu phí tại các trạm sẽ được tăng lên 3,5 lần so với mức giá hiện nay sẽ càng gây khó khăn cho các đơn vị, DN. Một DN vận tải chuyên tuyến Bắc-Nam tính toán, mỗi tháng một xe container phải đóng phí bảo trì đường bộ là 1,4 triệu đồng. Đoạn từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội sẽ phải qua khoảng 20 trạm thu phí. Một lô hàng xe container sẽ phải cõng trên lưng mức phí ngất ngưởng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam kiến nghị, Nhà nước nên xem xét điều chỉnh, nếu không giảm bớt mức phí bảo trì hằng năm, thì phải tính toán loại bỏ phần bảo trì đường bộ trong phí BOT thay vì cho tăng lên 3,5 lần. Ngược lại, nếu buộc phải giữ mức thu cao để bảo đảm hoàn vốn và có lãi cho NĐT thì tính toán giảm bớt mức phí bảo trì, làm sao để cân đối mức phí phải đóng vẫn trong sức chịu đựng của DN.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trạm thu phí BOT sẽ không làm tăng chi phí mà còn giúp DN vận tải thuận lợi hơn vì rút ngắn được thời gian đi lại và tiền đầu tư vào thiết bị ít hơn. Giá thành vận tải do chi phí đường xấu cũng như thiết bị hỏng hóc còn tốn hơn rất nhiều. Tính theo tổng thể, vận tải sẽ hiệu quả và kinh tế hơn nếu đường được nâng cấp. Như vậy, cả Nhà nước, DN và người dân đều được hưởng lợi. Cự ly đặt trạm thu phí tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 90 của Bộ Tài chính (70km sẽ lập một trạm), không bố trí dày đặc như lo ngại của DN. Ngoài ra, theo Nghị định 18/CP của Chính phủ, khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động vẫn duy trì trạm thu phí BOT. Sẽ không sử dụng quỹ bảo trì cho các đoạn tuyến xây dựng bằng vốn BOT nên không có chuyện phí chồng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa đầu tư dự án cải tạo QL 1: Giảm bớt gánh nặng ngân sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.