Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản: Chưa đạt yêu cầu

Gia Khánh| 18/07/2013 06:35

(HNM) - Sáu tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách của Hà Nội đạt 45%, cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước (41%) và cao hơn tỷ lệ cùng kỳ năm 2012.


Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội, việc triển khai kế hoạch XDCB năm 2013 tốt hơn những năm trước nhưng tính đến hết tháng 6, vẫn còn 77 dự án thuộc giai đoạn thực hiện chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2013, trong đó Bộ Tư lệnh Thủ đô có 4 dự án, Sở GTVT có 3 dự án, Sở Y tế có 4 dự án… Ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, có 97/112 dự án kế hoạch chưa được phê duyệt; 21/97 dự án mới chưa thể khởi công. Đối với vốn phân cấp cho khối quận, huyện, quận Hoàn Kiếm giải ngân 66 tỷ đồng/374 tỷ đồng kế hoạch (bằng 17%); Hai Bà Trưng 46/274 tỷ đồng (18%); Hoàng Mai 45/226 tỷ đồng (19%)... là những đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp. Đặc biệt, sau khi bố trí vốn, tính đến ngày 31-5, còn 11/29 đơn vị nợ XDCB, với tổng số tiền 722 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị có nguồn vốn kế hoạch lớn nhưng giải ngân chậm. Ảnh: Linh Ngọc


Làm rõ hơn về thực trạng giải ngân vốn XDCB, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội Đào Thái Phúc so sánh: Nếu tỷ lệ giải ngân vốn XDCB từ nguồn vốn ngân sách TP quản lý luôn cao - đạt 62%, thì tỷ lệ này ở nguồn vốn ngân sách quận, huyện thường rất thấp - chỉ đạt 37%. Đặc biệt, tính đến ngày 10-7, có tới 118 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng chưa giải ngân được đồng nào. Một số đơn vị có nguồn vốn kế hoạch lớn nhưng giải ngân chậm là các Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch - đạt 19%, Khoa học - Công nghệ - 5%, Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị - 17%. Quận Cầu Giấy chưa có con số giải ngân vốn TP quản lý, vốn địa phương mới đạt 10% trong khi kế hoạch vốn 2013 tới hơn 1.000 tỷ đồng…

Đánh giá nguyên nhân, đại diện Sở KH-ĐT cho biết, do thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và từ doanh nghiệp có dự án sử dụng đất rất khó khăn đã ảnh hưởng đến việc giao vốn. Cùng với đó, thủ tục điều chỉnh dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng cũng bị vướng, làm chậm tiến độ hoàn thiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, thực hiện và giải ngân. Sở KH-ĐT kiến nghị rà soát lại kế hoạch ngân sách phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực và nhu cầu đầu tư, một số dự án đang sử dụng vốn ngân sách ứng trước như cấp nước, nhà tái định cư, bãi đỗ xe, cho chuyển sang cơ chế vay tín dụng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Với nhóm dự án trọng điểm, tùy thuộc khả năng thực hiện từ nay đến cuối năm sẽ xem xét tiếp tục phát hành trái phiếu Thủ đô để bổ sung vốn. Đại diện Sở GTVT, Phó Giám đốc Phạm Hoàng Tuấn cho rằng, do thay đổi chính sách GPMB, áp dụng cơ chế đền bù sát giá thị trường nhưng chưa có phương pháp tính nên nhiều dự án do sở này làm chủ đầu tư chưa thể phê duyệt được phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư nên chưa có mặt bằng triển khai. Điển hình như dự án đường Vành đai 2, 6 tháng đã trôi qua nhưng các địa phương chưa phê duyệt được phương án nào. Đây cũng là kiến nghị của nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, không hài lòng với đánh giá của một số sở, ngành, quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, 6 tháng đã qua mà tỷ lệ giải ngân vốn XDCB chưa được 50% là không đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của xã hội, không bảo đảm yêu cầu của thành phố đề ra từ đầu năm; thể hiện thái độ chưa quyết liệt của các sở, ngành, quận, huyện. Trách nhiệm này trước hết thuộc về thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện…

Tại hội nghị giao ban về XDCB mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng nhấn mạnh, việc chậm trễ đưa ra phương pháp tính giá bồi thường, hỗ trợ GPMB, làm chậm tiến độ dự án có nguyên nhân chủ quan từ các ngành chức năng. Dự án chậm tiến độ thi công, giải ngân, còn có nguyên nhân từ sự yếu kém của chủ đầu tư, nhà thầu. Vì vậy, TP yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện linh hoạt trong điều hành, điều chuyển vốn từ dự án không giải ngân được, dự án chậm tiến độ sang dự án tiến độ nhanh, ưu tiên cho dự án dân sinh bức xúc; đồng thời, các sở, ngành có báo cáo, nếu không đủ năng lực thực hiện dự án, TP sẽ thu hồi để giao cho đơn vị chuyên ngành quản lý, triển khai. Sáu tháng cuối năm, TP tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, tích cực nghiệm thu, thanh quyết toán, đẩy nhanh giải ngân, bảo đảm hết 100% vốn XDCB trong năm nay, không để chuyển tiếp sang năm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải ngân vốn xây dựng cơ bản: Chưa đạt yêu cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.