Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm: Khó cũng phải làm

Lan Hương| 12/08/2014 16:33

(HNMO) – Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các cơ quan, ban ngành, UBND TP Hà Nội đã đi kiểm tra tình trạng xuống cấp nguy hiểm của nhà chung cư C8, Giảng Võ, Hà Nội.

Sau buổi kiểm tra, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã làm việc cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo để bàn về các giải pháp xây dựng lại các nhà chung cư xuống cấp trên địa bàn TP đang gặp nhiều vướng mắc hiện nay.

Bộ trưởng Bộ XD Trịnh Đình Dũng kiểm tra nhà chung cư C8, Giảng Võ.


Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao từ 4-6 tầng và 10 khu thấp tầng, từ 1-3 tầng (những nhà thấp tầng này đến nay hầu hết đã bán theo Nghị định 61/CP và người dân đã tự bỏ kinh phí để cải tạo lại do TP quản lý, ký hợp đồng cho các hộ dân thuê với diện tích 1,7 triệu m2 cần cải tạo, xây dựng lại; ngoài ra còn có các khu nhà tập thể đơn lẻ, chưa bàn giao cho TP.

Các nhà chung cư cũ trên địa bàn TP đa phần được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Trong quá trình sử dụng các hộ đã tự cơi nới, phát triển trên diện tích đất trống, ngoài sân nên đa số dân và diện tích các khu chung cư đã tăng hơn 1,5 lần so với thiết kế ban đầu.

Bộ trưởng nói chuyện với người dân.


Trong thời gian qua, Hà Nội đã ban hành quy chế cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên nguyên tắc xã hội hóa, đảm bảo tự cân đối tài chính cho dự án. TP cũng đã bố trí kinh phí kiểm định để lọc ra các công trình nguy hiểm cấp D, tổ chức di chuyển, cải tạo xây dựng lại theo Luật Nhà ở. Hiện tại quận Đống Đa có các nhà B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; I1,2,3 Thái Hà đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Khu chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng đã tổ chức di dời, tạm cư cho các hộ dân tại nhà 9B Đại Kim, Định Công. Tại quận Thanh Xuân có chung cư P3 Phương Liệt đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Tại quận Ba Đình có nhà C7 và B6 Giảng Võ và C1 Thanh Công đang thi công… TP hiện đang tiếp tục yêu cầu di dời đơn nguyên III nhà C8, Giảng Võ.

Đơn nguyên III nhà C8 đã xuống cấp nguy hiểm nhưng nhiều người dân không đồng thuận chuyển đi và xây dựng lại.


Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ về đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại văn bản số 348/TB-VP ngày 9/12/2009, hầu hết tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ bị dẫm chân tại chỗ. Nguyên nhân được TP Hà Nội thống kê là do có rất nhiều khó khăn. Một là về quy hoạch kiến trúc, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, ở 4 quận nội thành cũ phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu người xuống còn 0,8 triệu người; trong khi các chung cư cũ lại tập trung ở khu vực này. Bên cạnh đó, các công trình bị khống chế chiều cao, nên việc xây dựng lại mất cân đối lớn về tài chính (như nhà N3 Nguyễn Công Trứ mất cân đối 300 tỷ đồng, toàn bộ khu là 1.800 tỷ đồng).

Hai là về chính sách GPMB, tái định cư đang không được sự đồng thuận của nhân dân. Ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết: “Vướng mắc lớn trong quá trình triển khai là cân đối lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân. TP đã nghiên cứu hệ số tái định cư cao lên đến 1,4 nhưng vẫn rất khó khăn. Các chung cư cũ đang ngày càng xuống cấp, gây nhiều lo ngại cho công tác quản lý”.

Ba là về quỹ nhà tạm cư, hầu hết các chủ đầu tư không bảo đảm được. Quỹ nhà tái định cư của TP chỉ đảm bảo được cho các dự án trọng điểm.

Ngoài ra, tình hình kinh tế không thuận (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản), giá cả nguyên vật liệu tăng cao… cũng là nguyên nhân tác động trực tiếp đến nhà đầu tư, khiến công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ chưa thực hiện quyết liệt được.

Để tháo gỡ thực trạng trên, TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cải tạo chung cư cũ, gắn với cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư cũ của đô thị, khuyến khích việc giãn dân ra các khu đô thị mới, giảm mật độ dân cư trong khu vực trung tâm. Ban hành quy định bổ sung điều chỉnh Nghị định quản lý chất lượng công trình trong đó đối với trường hợp những nhà chung cư chưa có thiết kế kháng chấn, không đảm bảo yêu cầu khi động đất cũng phải tổ chức di dời để đảm bảo an toàn cho người dân…

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi làm việc.


Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: TP có chủ trương tái thiết lại, nhất là với các chung cư xuống cấp trên địa bàn TP. Đây là vấn đề phức tạp. HĐND TP cũng thống nhất cho TP làm thí điểm một vài khu như Kim Liên…; Cải tạo, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Hiện có nhiều bất cập nhưng TP quyết tâm làm, vừa làm vừa tháo gỡ.

Chủ tịch cũng nhấn mạnh: “Với nhà C8, Giảng Võ hôm nay đoàn Bộ trưởng kiểm tra, có một đơn nguyên ở mức xuống cấp nguy hiểm, theo quy định của luật phải di dời. TP đã giao cho Sở Xây dựng tái thiết lại toàn nhà C8, rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai nhà C1, C7. Về vấn đề nhà tạm cư, TP đã có, bố trí cả kinh phí hỗ trợ di chuyển, tạm cư. Vấn đề hiện nay là đầu tư như thế nào để đảm bảo lợi ích, nhu cầu của nhân dân…”.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu rõ Bộ rất quan tâm đến chất lượng các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn, tính mạng của người dân. Riêng với chung cư cũ càng phải kiểm soát chặt chẽ hơn… Cả nước còn 1.688 chung cư cũ, trong đó ở Hà Nội đã chiếm 1.155 chung cư. Bộ đã có các văn bản yêu cầu các địa phương khảo sát, đánh giá chất lượng các chung cư cũ. Hà Nội đã tích cực kiểm định, phân loại các công trình. Hà Nội đã có 14 chung cư cũ xây dựng lại (TP Hồ Chí Minh là 38 chung cư). Qua kiểm tra nhà C8, Hà Nội đã có trách nhiệm rất lớn gia cố công trình.

Tuy nhiên, do việc cải tạo chung cư cũ rất khó khăn, việc xây dựng lại còn ít so với mong muốn. Bộ trưởng cũng thừa nhận, cơ quan quản lý không lường hết các khó khăn thực tế. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Bộ Xây dựng yêu cầu tập trung các địa phương tăng cường đánh giá chất lượng nhà chung cư. Trước mắt, gia cố những công trình, bộ phận công trình không an toàn; Kiên quyết đưa người dân ra khỏi công trình mất an toàn. Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện pháp luật quy định về chất lượng, an toàn công trình. Luật Xây dựng sửa đổi tháng 11/2014 sẽ có hiệu lực. Xây dựng cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực cải tạo các nhà chung cư cũ. Bộ và TP sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét lại quy định về tầng cao công trình; ưu tiên tái định cư tại chỗ cho nội đô... Lựa chọn các DN có kinh nghiệm và tài chính để tham gia xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải tạo chung cư cũ, nguy hiểm: Khó cũng phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.