Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa quan tâm quyền lợi của người mua nhà

Việt Nga| 25/10/2014 06:32

(HNM) - Đánh giá cao Ban soạn thảo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, song trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 24-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn chỉ rõ một số kiến nghị chưa được tiếp thu.


Sở dĩ có chuyện các ĐBQH nhấn mạnh việc quy định trách nhiệm của chủ đầu tư với các dự án nhà ở, BĐS là trong thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc, chủ đầu tư hoặc nhà giao dịch thứ cấp đứng ra thu tiền của khách hàng khi công trình chưa khởi công, chưa làm hạ tầng; hoặc thu tiền vượt quá quy định. Thậm chí, có không ít vụ việc, lợi dụng sự lỏng lẻo của hệ thống luật chuyên ngành, sự thiếu hiểu biết của người dân nên chủ đầu tư hoặc nhà giao dịch thứ cấp đã lập ra các dự án khống rồi tự bán đất, nhà khi chưa hình thành để lừa đảo thu tiền của hàng trăm người dân với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Điển hình trong số này là dự án Cienco 5 Thanh Hà, trong đó cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt nhiều đối tượng lừa đảo của một công ty thứ cấp.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư đối với mỗi dự án.
Ảnh: Bá Hoạt



Vì vậy cũng dễ hiểu khi tại phiên thảo luận lần này, các ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Vĩnh Phúc), Trần Du Lịch (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng), Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định)… đều lên tiếng mạnh mẽ về việc dự thảo cần bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân. Cụ thể, theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh thì quy định việc công chứng, chứng thực hợp đồng chỉ do các bên (mua - bán) đảm nhận và thỏa thuận thì dễ tạo ra khoảng trống gây thiệt hại cho người mua. Do vậy, ĐB Cảnh đề xuất, với BĐS giữa cá nhân với cá nhân thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng; giữa cá nhân với doanh nghiệp thì do hai bên thỏa thuận và hợp đồng giữa hai bên ký phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, trong thời gian qua xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện giữa người dân với chủ đầu tư hoặc giữa người dân thực hiện giao dịch mua bán, là do khi bàn giao cho bên mua, chủ đầu tư không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, ĐB Bảo đề nghị phải bổ sung quy định khi bàn giao nhà, đất cho bên mua, chủ đầu tư phải giao đầy đủ điều kiện liên quan cho khách hàng.

Còn theo ĐB Trần Du Lịch để tránh thiệt hại cho người dân khi mua các dự án BĐS, dự thảo cần có điều khoản quy định giữa bên góp vốn mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, bắt buộc tiền góp phải được ký gửi tại một ngân hàng do chủ đầu tư quy định và ghi hợp đồng, tiền chỉ được giải ngân cho công trình góp vốn, cấm dùng vào mục đích khác. Đại diện người góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng hoặc chủ đầu tư minh bạch việc sử dụng tiền. Quy định tỷ lệ góp vốn lần 1 tối đa 30% để nhà đầu tư không thể "tay không bắt giặc", tỷ lệ nộp tối đa là 95% cho đến khi được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà ở. Phần giữ lại (để duy tu, bảo dưỡng…) thì để các bên tự thỏa thuận. Như vậy sẽ làm rõ được vấn đề Nhà nước cần đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân để khách hàng không bị lợi dụng vốn. ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát, chịu trách nhiệm của ngân hàng trong việc quản lý tiền mua nhà của khách hàng, tránh xảy ra chuyện chủ đầu tư dùng tiền góp vốn vào việc khác.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các ý kiến góp ý của ĐB sẽ được Ban soạn thảo tiếp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ trước khi thông qua vào cuối kỳ họp.

* ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Thực tế thì tại nhiều địa phương có chuyện chủ đầu tư, DN thu tiền của người dân mua đất, nhà nhưng bỏ hoang hóa dự án hàng chục năm. Dân có nhu cầu thì không có nhà, đến nơi đất bỏ hoang, nhà đầu tư thì không đóng tiền sử dụng đất, lừa cả dân, cả Nhà nước. Tôi cho rằng, nếu chỉ quy định hành vi này là "cấm" thì nhẹ quá. Dự thảo nên có quy định mạnh hơn nữa, đó là những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự như: Gian lận, lừa dối trong kinh doanh; huy động, chiếm dụng vốn trái phép; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Phải mạnh dạn quy định như vậy để ngăn chặn lừa đảo, chụp giật trong kinh doanh bất động sản.

* ĐB Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng): Tôi được biết, trong việc bàn giao nhà, chủ đầu tư giữ lại tỷ lệ nhất định để bảo dưỡng nhà. Vậy việc này thực hiện như thế nào? Cơ quan nào, ai đứng ra bảo đảm? Ở nước ngoài, người ta dành 2% giá trị hợp đồng để sửa chữa theo kỳ hạn với 5 năm thực hiện quét vôi lại, 10 năm kiểm tra an toàn đường điện, 15 năm sửa lại nhà… Vậy dự thảo luật nên tham khảo, bổ sung những quy định như thế này nhằm bảo vệ khách hàng.

Châu Anh ghi


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa quan tâm quyền lợi của người mua nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.