Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua bán, sáp nhập dự án BĐS diễn ra sôi động: Sự điều chỉnh tất yếu

Khánh Khoa| 12/03/2015 06:53

(HNM) - Với việc nới lỏng chính sách tài chính, tín dụng, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn.

Nghiên cứu của Ths Nguyễn Thanh Lân, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, khi tình hình kinh tế khó khăn, nguồn vốn vào thị trường BĐS hạn chế, hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS càng sôi động. Đối với bên chuyển nhượng, lợi ích đầu tư khi thực hiện M&A là giải quyết khó khăn về vốn đầu tư kinh doanh, tiếp đó giúp tái cấu trúc danh mục đầu tư, tránh khả năng bị thu hồi dự án, thậm chí tạo dựng thương hiệu thông qua hợp tác với nhà đầu tư tên tuổi. Trong khi, bên nhận chuyển nhượng có thể tiếp cận dự án BĐS có giá hợp lý; tiếp cận cơ hội mở rộng thị trường, hưởng lợi từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng…

Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước nhờ sự hấp dẫn trong chính sách thu hút đầu tư. Ảnh: Phương An


Nhận xét đặc điểm của các thương vụ M&A trong BĐS, Ths Nguyễn Thanh Lân cho rằng, dường như phương thức M&A mới ở dạng đầu tư tài chính, mua cổ phần để trở thành đối tác nhằm tới lợi ích tài chính đơn thuần chứ chưa nhằm tới thâu tóm để sở hữu. Song, khác với đầu tư tài chính là M&A mất thời gian khá dài cho đàm phán, từ 1 đến 3 năm, trong khi đầu tư tài chính chỉ mất 3 đến 6 tháng. Thứ nữa, hầu hết thương vụ M&A lớn đều có yếu tố nước ngoài. Giao dịch với đối tác trong nước chủ yếu diễn ra tại phân khúc nhà ở thương mại. Còn giao dịch với đối tác nước ngoài chủ yếu ở phân khúc trung tâm thương mại, khách sạn. Quan trọng hơn, xu hướng M&A vào BĐS đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư Châu Á luôn chiếm ưu thế. Đến hết quý III-2014, riêng TP Hồ Chí Minh đã có 7 giao dịch M&A chú ý có sự tham gia của doanh nghiệp Châu Á.

M&A lĩnh vực BĐS tiếp tục sôi động là nhận định của nhiều chuyên gia khi cho rằng thị trường BĐS Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước khác nhờ sự hấp dẫn trong chính sách thu hút đầu tư. Nền tảng pháp lý cũng thay đổi theo hướng tích cực với nhiều dự luật liên quan được sửa đổi. Dòng vốn ngoại đổ vào thị trường BĐS rất lớn khi thống kê cho thấy, lĩnh vực BĐS đứng thứ hai về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu thông qua M&A. Thậm chí, hoạt động M&A được kỳ vọng tăng mạnh nếu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký sớm, hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận Định giá và tư vấn tài chính - Savills Hà Nội (Công ty TNHH Savills Việt Nam), thị trường BĐS 2015 tiếp đà hồi phục từ năm 2014 và dự kiến có tăng trưởng rõ rệt ở phân khúc nhà ở. Thêm vào đó, thị trường cũng sẽ chứng kiến đối tượng mới tham gia khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Với sự hồi phục của thị trường, mức độ rủi ro khi đầu tư các dự án BĐS giảm đáng kể. Cùng với việc sẵn sàng giải ngân từ các ngân hàng và các tổ chức đầu tư, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sẽ diễn ra sôi động, quyết liệt hơn.

Về triển vọng thị trường BĐS năm 2015, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, xu hướng M&A các dự án tiếp tục gia tăng. Các doanh nghiệp khó khăn buộc phải điều chỉnh dự án cho phù hợp hoặc chuyển nhượng dự án. Dự án có khó khăn về vốn đầu tư sẽ được nhà đầu tư lớn trong nước, nhà đầu tư nước ngoài mua lại thay vì phải làm thủ tục xin cấp phép đầu tư dự án mới. Nhiều dự án tạm dừng sẽ được khởi động lại khi có dòng vốn để trả nhà cho khách hàng đã mua trước đây. Những dự án mới đủ điều kiện, có vị trí tốt được khởi công, góp phần tăng nguồn cung căn hộ phù hợp nhu cầu thị trường. Đây cũng là xu thế tự điều chỉnh của thị trường BĐS để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Qua ghi nhận của thị trường, báo cáo của một số công ty tư vấn độc lập, có thể thấy số lượng và giá trị thương vụ M&A trong BĐS ngày một tăng lên trong những năm qua và nhiều vụ trở thành tâm điểm của hoạt động M&A nói chung. Nếu năm 2010 là thời kỳ bùng nổ của hoạt động M&A nói chung, với 345 thương vụ, tổng giá trị 1,7 tỷ USD, trong đó hoạt động M&A lĩnh vực BĐS chiếm 6% thương vụ và 17% giá trị; thì giai đoạn 2011-2013 là khoảng thời gian khó khăn nhất của thị trường BĐS, hoạt động M&A vẫn sôi động nhất, với giá trị hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là hàng loạt dự án BĐS được chào bán nhưng thương vụ M&A không diễn ra như kỳ vọng vì các nhà đầu tư, nhất là trong nước đã cạn kiệt nguồn vốn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán, sáp nhập dự án BĐS diễn ra sôi động: Sự điều chỉnh tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.