Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý công trình kiến trúc cổ thế nào?

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 30/09/2015 05:53

(HNM) - Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ đang xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có nhiều công trình có giá trị về văn hóa, kiến trúc cấp thiết cần bảo tồn. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa có quy chế bảo tồn khiến nhiều công trình... bỗng dưng biến mất.


Nhiều nhà cổ "biến mất"

Theo ghi nhận, thời gian qua, nhiều biệt thự cổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chủ yếu ở Quận 1, Quận 3 bị sửa chữa, thay đổi hiện trạng. Chỉ riêng tại Quận 3, khá nhiều biệt thự, nhà cổ trên đường Tú Xương, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo... đã bị cải tạo thành trường học, nhà hàng, quán cà phê... Thậm chí, một số biệt thự đã bị tháo dỡ. Mới đây, hai biệt thự tại số 6 đường Nguyễn Thông và số 458 đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3) bị tháo dỡ do xuống cấp; trong đó biệt thự số 458 Nguyễn Thị Minh Khai đang được rào chắn để xây dựng một công trình cao ốc. Trong khi đó, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cũng đang "đau đầu" trước yêu cầu của chủ nhân 13 biệt thự tại Quận 1 và Quận 3 xin được tháo dỡ vì đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, một số biệt thự trong số này đã bị người dân phá dỡ.

Một công trình kiến trúc cổ nằm ngay góc đường Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần (Quận 3) đang cho thuê.



Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 168 công trình kiến trúc cổ nằm trong danh sách đã có quyết định xếp hạng di tích, đang được thành phố đầu tư, tu bổ, phục hồi để bảo tồn. Đây là những công trình do Nhà nước quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại rất nhiều biệt thự, nhà cổ chưa được kiểm kê, rà soát mà phần lớn trong số này do tư nhân quản lý, sử dụng. Hiện nay, các biệt thự này vẫn chưa được phân loại đầy đủ. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, ước tính, toàn thành phố có tới khoảng 3.000 biệt thự, nhà cổ có giá trị di sản, là chứng tích cho lịch sử phát triển của thành phố. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố chỉ còn khoảng 1.000 biệt thự, nhà cổ. Điều này cho thấy, rất nhiều công trình nhà cổ, biệt thự đã "biến mất" theo thời gian.

Khó xử lý

Hiện tòa nhà trụ sở HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh tại số 86 đường Lê Thánh Tôn (Quận 1) đã có thời hạn sử dụng 117 năm. Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã kiểm định, tu sửa, nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc công trình. Còn tòa nhà Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tại số 131 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 1) đang bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng sau hơn 130 năm xây dựng. Công trình này có kiến trúc độc đáo và được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2012. Theo kế hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ dự trù kinh phí trùng tu trong thời gian tới với kinh phí khoảng 320 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là tìm được nhà thầu có kinh nghiệm và kỹ thuật chuyên môn để thực hiện. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với công trình kiến trúc cổ nói chung, hiện thành phố quản lý theo hướng ưu tiên bảo tồn, nghiêm cấm việc sang nhượng, xây dựng mới, đập phá, trừ những trường hợp nhà sắp sập đổ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác quản lý các công trình kiến trúc cổ tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải phân loại các công trình kiến trúc này theo 3 nhóm gồm: Rất có giá trị, cần phải được bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng; có giá trị, phải được bảo vệ một phần hiện trạng nếu có trùng tu, nâng cấp; ít có giá trị, có thể được tháo dỡ nếu xuống cấp, hư hỏng nặng. Tuy nhiên, hiện TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có quy chế về bảo tồn các công trình kiến trúc cổ này. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh) cho biết, có những công trình kiến trúc, nhà cổ do tư nhân quản lý, sử dụng khi các cơ quan chức năng kiểm kê, yêu cầu xếp hạng di tích nhưng người chủ sở hữu công trình đó không đồng ý. Thực tế cho thấy, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn tồn tại rất nhiều công trình khiến các cơ quan chức năng lúng túng xử lý mặc dù đã có chủ trương trùng tu, bảo tồn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với những công trình kiến trúc có giá trị nói chung, nhà cổ đang hư hỏng xuống cấp nói riêng, thành phố đã có chủ trương nâng cấp, bảo tồn và cũng đã dự trù kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, bảo tồn thế nào để không làm mất đi giá trị văn hóa và bảo đảm an toàn cho các công trình này thì vẫn còn là câu hỏi. "Một số công trình, thành phố không thể tự quyết định được mà phải chờ ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch", ông Luận cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý công trình kiến trúc cổ thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.