Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiêu chuẩn "xanh" với nhà ở giá rẻ: Vì lợi ích lâu dài

Gia Khánh| 05/05/2016 08:35

(HNM) - Những năm gần đây, nhà ở xã hội đã trở thành phân khúc chính của thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại quan niệm, nhà ở xã hội là nhà ở giá rẻ nên một số tiêu chí tiện nghi chưa được quan tâm, trong đó có tiêu chí

Nên khuyến khích sử dụng hệ thống thiết bị năng lượng mặt trời tại các dự án nhà ở xã hội. Ảnh: Huy Khánh


Theo các chuyên gia, cần áp dụng tiêu chí "xanh" vào các dự án nhà ở xã hội, thu nhập thấp vì lợi ích lâu dài của người dân và xã hội.

Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam, nhiều chung cư được thiết kế thiếu hợp lý, vì vậy hành lang thường xuyên phải bật đèn thay vì đón nhận ánh sáng tự nhiên. Để giảm chi phí đầu tư, căn hộ không được thiết kế cách âm, cách nhiệt hợp lý, dẫn đến tiêu tốn năng lượng làm mát vào mùa hè hay sưởi ấm vào mùa đông.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng thiết kế, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Nguyên nhân là nhiều chủ đầu tư muốn giảm chi phí, hạ giá bán mà chưa quan tâm đến lợi ích lâu dài của người sử dụng khi áp dụng công nghệ "xanh", tiết kiệm năng lượng. Hậu quả là không chỉ làm tăng chi phí sử dụng năng lượng mà còn tác động lớn đến môi trường. Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, tại các nước phát triển như Nhật Bản, Đức, Singapore, Chính phủ yêu cầu áp dụng các quy định kỹ thuật trong xây dựng công trình "xanh", tiết kiệm năng lượng. Trong khi, tại Việt Nam, xây dựng công trình "xanh" khởi xướng từ năm 2007, nhưng đến nay mới có khoảng 60 công trình được cấp chứng nhận. Thêm vào đó, công trình "xanh" mới chỉ được quan tâm đối với phân khúc nhà thương mại cao cấp của những tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu phải có chiến lược ứng phó; đặc biệt là việc sử dụng năng lượng trong xây dựng và sinh hoạt - vốn chiếm tới 37% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia. Dự báo đến năm 2020, dân số đô thị lên tới 46 triệu người, tương đương 45% dân số cả nước; tạo ra áp lực lớn lên chính sách nhà ở, đặc biệt quy mô hộ gia đình có xu hướng tăng diện tích bình quân tính trên đầu người. Do vậy, cần có sự nhìn nhận đúng đắn về lợi ích của công trình "xanh".

Chia sẻ lợi ích của việc đầu tư công trình "xanh", Trưởng tư vấn Chương trình năng lượng sạch USAID Việt Nam Vũ Thị Kim Thoa cho biết, công trình "xanh" có thể tiết kiệm 50% năng lượng tiêu thụ so với thiết kế thông thường. Việc tiết kiệm, giảm chi phí vận hành - thường chiếm 80% chi phí đầu tư, giá trị tài sản và mức hoàn vốn đầu tư tăng nhanh - mang lại lợi thế cạnh tranh cho dự án. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô Trần Như Trung tính toán, tại dự án EcoHome 1 do công ty làm chủ đầu tư, việc lắp đặt hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời làm tăng chi phí đầu tư 3,7 tỷ đồng, tính bình quân khoảng 3,98 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, người dân không phải trả thêm chi phí và được hưởng lợi khi giảm chi phí điện chiếu sáng công cộng trong quá trình vận hành.

Cho rằng công trình "xanh" là sử dụng hiệu quả năng lượng, nước, vật liệu... giảm ô nhiễm, đem lại sức khỏe cho người sử dụng, ông Nguyễn Trần Nam đề nghị, phải coi đó là một tiêu chí khi lập dự án. "Mỗi năm, Việt Nam xây mới 100 triệu mét vuông nhà, mỗi mét vuông nhà tiêu tốn 120kWh điện/năm. Nếu triển khai theo hướng "xanh", tiết kiệm năng lượng, mỗi mét vuông nhà sẽ tiết kiệm khoảng 60kWh/năm.

Thay vì điều chỉnh sơ đồ điện, nhập than, đốt, thải ra môi trường hàng chục triệu tấn CO2, tro xỉ..., Chính phủ nên hỗ trợ phát triển công trình "xanh", sử dụng gạch không nung, kính tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng" - ông Nam đề xuất. Xu thế phát triển và hiệu quả của công trình "xanh" đã rõ, vấn đề là cụ thể hóa bằng chính sách, gắn tiêu chí công trình "xanh" với phân hạng nhà chung cư; ban hành chương trình hỗ trợ dài hạn từ tín dụng, quỹ đất đến chiến lược phát triển nhà ở... để công trình "xanh" xuất hiện rộng hơn, ở cả phân khúc nhà ở trung bình hay giá rẻ, chứ không chỉ phân khúc nhà cao cấp. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chuẩn "xanh" với nhà ở giá rẻ: Vì lợi ích lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.