Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn lực nào để xử lý nhà nguy hiểm?

Gia Khánh| 16/06/2016 08:31

(HNM) - Dự kiến, hết năm 2016, các địa phương hoàn tất việc rà soát giai đoạn I, phân loại công trình có dấu hiệu nguy hiểm, để khảo sát chi tiết bằng thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau kiểm định đánh giá, nguồn lực nào để xử lý nhà nguy hiểm.

Dự kiến, hết năm 2016, các địa phương hoàn tất việc rà soát giai đoạn I, phân loại công trình có dấu hiệu nguy hiểm, để khảo sát chi tiết bằng thiết bị chuyên dụng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau kiểm định đánh giá, nguồn lực nào để xử lý nhà nguy hiểm.

Khu A3, A6, A7, A8, A9 tập thể Thanh Nhàn cần được đầu tư cải tạo xây dựng lại. Ảnh: Khánh Huy


Theo Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) Phạm Minh Hà, việc đánh giá mức độ an toàn công trình không đơn giản, đòi hỏi nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Ở Việt Nam, mặc dù đã có một số đánh giá chất lượng công trình nhưng kết quả hạn chế; các tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn ban hành trực tiếp liên quan đến vấn đề này chưa nhiều. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã lập quy trình đánh giá mức độ an toàn kết cấu công trình nhà ở và công trình công cộng thống nhất, để có thể áp dụng tại tất cả các địa phương.

Tại hội nghị tập huấn, triển khai quy trình đánh giá chất lượng nhà ở, tổ chức tại Hà Nội mới đây, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, từ nay đến cuối năm 2016, Bộ cùng các Sở Xây dựng địa phương rà soát, đánh giá sơ bộ các công trình cũ tại đô thị. Trong đó, tập trung vào nhà chung cư xây dựng trước năm 1994, biệt thự, trụ sở cơ quan, công trình công cộng tuổi thọ trên 60 năm. Quy trình đánh giá an toàn kết cấu gồm: Giai đoạn I, khảo sát sơ bộ bằng trực quan và chuyên gia, phân loại công trình có dấu hiệu nguy hiểm. Giai đoạn II, các công trình sau khi phân loại, được khảo sát chi tiết bằng thiết bị chuyên dụng, thí nghiệm tính toán mức độ an toàn kết cấu, từ đó đưa ra phương án xử lý, tùy theo cấp độ hư hỏng. Cấp A, sử dụng bình thường, chỉ sửa chữa nhỏ; cấp B, sử dụng bình thường, phải sửa chữa cấu kiện nguy hiểm; cấp C, nguy hiểm cục bộ, phải sửa chữa, gia cường; cấp D, nguy hiểm tổng thể, phải có giải pháp chống đỡ, sơ tán hộ dân khi cần thiết. Dự kiến, việc thống kê, đánh giá giai đoạn I, phân loại công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, hoàn thành trước ngày
31-12-2016.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là sử dụng nguồn kinh phí nào để tổ chức kiểm định công trình nguy hiểm và ứng xử với công trình nguy hiểm như thế nào? Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, ước tính số lượng nhà ở cũ và công trình công cộng, đặc biệt là chung cư và biệt thự hết niên hạn sử dụng, ở cấp độ nguy hiểm trên cả nước lên tới hàng nghìn. Số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố có khoảng 1.500 chung cư cũ, quy mô 2-5 tầng, chủ yếu xây dựng trước năm 1980. Hầu hết, chung cư cũ đều đã được bán theo Nghị định 61/CP, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua... Từ đó, việc bảo dưỡng, bảo trì gần như bỏ ngỏ; cải tạo cơi nới lộn xộn trong thời gian dài. Để bảo đảm an toàn, cuối cùng thành phố phải lập kế hoạch sử dụng nguồn vốn ngân sách để kiểm định, đánh giá chất lượng công trình. Vì thế, số lượng kiểm định có hạn, làm dần dần, chọn công trình có tuổi thọ cao, xuống cấp làm trước. Kết quả khảo sát năm 2015, có 2 công trình nguy hiểm cấp độ D, 39 công trình cấp độ C, 1 công trình cấp độ B.

Nếu việc kiểm định, đánh giá chất lượng công trình còn có thể sử dụng vốn ngân sách thì việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp đang là bài toán khó. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hầu hết chung cư cũ nằm trong khu vực nội đô lịch sử, hạn chế phát triển nên công trình xây mới không bảo đảm cân đối tài chính cho nhà đầu tư. Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội từng dự kiến cải tạo xong các chung cư cũ vào năm 2015 nhưng kế hoạch đã thất bại, cho thấy cần phải có giải pháp đột phá.

Thực tế hiện nay, hầu như cư dân chung cư vẫn nghĩ việc cải tạo, xây dựng lại là trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm cho rằng, người dân - chủ sở hữu chung cư, phải làm chủ, chính quyền chỉ giữ vai trò tạo điều kiện, hỗ trợ. Như vậy, nguồn lực, giải pháp giải quyết chung cư cũ xuống cấp, sau khi kiểm định, mới là vấn đề quan trọng. Được biết, TP Hà Nội vừa mời gọi đầu tư 10 dự án cải tạo chung cư cũ, với tổng vốn hơn 361.000 tỷ đồng. Trong đó, có những khu tập thể đã được mời gọi đầu tư nhiều năm trước nhưng chưa có doanh nghiệp đăng ký.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực nào để xử lý nhà nguy hiểm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.