Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thắt” hay “nới” cho vay bất động sản?

Đức Anh| 23/06/2016 07:10

(HNM) - Gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng lẽ ra đã kết thúc nhưng vẫn có không ít ý kiến xung quanh gói hỗ trợ này.


Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua, thuê nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tiếp tục được duy trì. Ảnh: Bá Hoạt


Chưa cần thêm gói hỗ trợ mới

Quá "dễ dãi" khi cho vay suốt thời gian dài, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS, khiến hệ thống ngân hàng từng phải gánh nợ xấu ở mức đáng báo động. Phát triển "nóng" thị trường BĐS, các ngân hàng cũng phải "nóng" theo vì hầu hết chủ đầu tư đều "gõ cửa" ngân hàng để vay vốn cho các dự án. Thông thường, các chủ đầu tư chỉ có khoảng 30% vốn cho dự án xây dựng, còn lại là huy động từ ngân hàng hoặc người mua. Dự án "mọc" lên như nấm, khiến nguồn cung ngày càng nhiều, trong khi cầu có hạn, không ít dự án bị rơi vào cảnh "ngủ đông". Bởi vậy, những khoản vay của ngân hàng cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh BĐS trở thành khó đòi, vì DN không có khả năng trả nợ. Nợ chồng nợ, nhiều DN rơi vào cảnh phá sản, một số ngân hàng không có khả năng chống đỡ, mất thanh khoản đã phải chấp nhận bị mua với giá 0 đồng, xóa tên để bị sáp nhập vào ngân hàng khác...

Đối diện với nợ xấu, ngành ngân hàng đã phải "thắt" cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay với BĐS. Tuy nhiên, "thắt" rồi cũng phải "mở", vì nếu để thị trường "đóng băng" quá lâu sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế, hơn nữa hàng chục nghìn tỷ đồng của ngân hàng cũng phải nằm yên theo BĐS. Mở cơ hội cho ngân hàng cũng là mở cho DN, để DN kinh doanh BĐS có thể hoạt động trở lại, từ đó có điều kiện trả nợ các khoản vay trước đó.

Trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và ngân hàng có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, triển khai từ tháng 6-2013. Đây được đánh giá là "liều thuốc" tốt cho thị trường BĐS, cơ hội cho DN kinh doanh lĩnh vực này, cũng tạo điều kiện để những người dân có thu nhập thấp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng. Suốt 3 năm qua, gói tín dụng này đã phát huy hiệu quả, góp phần hồi phục thị trường. Mặc dù không ít người vẫn tiếc nuối gói tín dụng này, nhưng trên thực tế nguồn vốn ngân hàng không chỉ dành cho thị trường BĐS, mà cần phải chia đều cho các ngành kinh tế, nên gói 30.000 tỷ đồng đã đi hết chặng đường, trong thời điểm thị trường BĐS qua thời kỳ "đóng băng" và sôi động trở lại, chưa cần thiết để có thêm một gói 30.000 tỷ đồng khác.

Ưu tiên khu vực sản xuất

Sau một thời gian "mở" để thị trường BĐS hồi phục, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang "thắt" dần nguồn vốn, để tránh cơn bão khủng hoảng nợ có cơ hội "quét" thị trường một lần nữa. Sau dự thảo sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (ngày 20-11-2014) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những điều khoản gây "sốc" cho thị trường, mới đây NHNN đã ban hành thông tư mới với tiêu chí "siết" dần nguồn vốn vay để các TCTD có thời gian thích ứng.

Theo đó, tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36, có hiệu lực từ ngày 1-7, NHNN đã sửa đổi, bổ sung cách xác định và giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung, dài hạn của TCTD với lộ trình phù hợp, nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD. Thời gian thực hiện quy định này theo lộ trình, trong đó từ nay đến hết năm 2016, các ngân hàng thương mại duy trì tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn là 60% đối với ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhưng, từ ngày 1-7-2017, tỷ lệ này sẽ phải rút xuống 50%, còn từ ngày 1-1-2018 là 40%. Hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% từ ngày 1-1-2017, trước đó tại dự thảo, hệ số rủi ro được đề xuất là 250%.

Thực tế, để đưa ra chính sách tiền tệ theo hướng "thắt" dần nguồn vốn vay, nhằm hạn chế rủi ro đối với an toàn hệ thống, cơ quan chức năng đã nhìn thấy trước nguy cơ đối với hoạt động cho vay của các TCTD, vì nguồn vốn tín dụng vào BĐS tăng mạnh trong vòng hai năm trở lại đây. Vì thế, những quy định của NHNN về cho vay BĐS trong thời điểm này được đánh giá là phù hợp, vừa để thị trường thích ứng, nhưng vẫn đòi hỏi các ngân hàng thương mại giám sát chặt dòng vốn vay để thị trường không bị bong bóng. "Siết" tín dụng BĐS có lộ trình cũng góp phần đào thải các nhà đầu tư yếu kém về năng lực quản trị và tài chính, đồng thời tự thị trường phải tìm các kênh vốn khác thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Hơn nữa, BĐS không phải là lĩnh vực được ưu tiên nhất hiện nay. Trong những nhiệm vụ mà NHNN đặt ra vào những tháng cuối năm là yêu cầu các TCTD phải tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa...

Người thu nhập thấp có thêm lựa chọn

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1013/QĐ-TTg (ngày 6-6) về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của NHCSXH với các đối tượng quy định tại nghị định sẽ là 4,8%/năm, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31-12, được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Như vậy, cùng với quyết định kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tới cuối năm 2016 vừa được NHNN công bố, người có thu nhập thấp sẽ có thêm sự lựa chọn vay vốn tại NHCSXH với mức lãi suất thấp hơn gói vay 30.000 tỷ đồng ở các ngân hàng là 0,2%/năm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thắt” hay “nới” cho vay bất động sản?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.