Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vụ 77 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng: Nhiều doanh nghiệp “kêu oan”

Đặng Loan| 27/07/2016 18:27

(HNMO) - Sau khi Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hồ Chí Minh công bố danh sách các dự án mà chủ đầu tư đang thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các ngân hàng, nhiều chủ đầu tư có tên trong danh sách đã “kêu oan”.

Là một trong những doanh nghiệp bị “bêu tên”, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cho biết, 570 căn hộ Lô A3 của dự án Him Lam Riverside có tên trên danh sách đã được giải chấp. Đại diện của doanh nghiệp này cho rằng đã khá bất ngờ khi có tên trong danh sách 77 dự án thế chấp vì việc cầm cố này đã được công ty và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam – Emximbank (Chi nhánh Đồng Nai) giải quyết xong từ lâu.

Văn bản của Him Lam Land cho biết đã giải chấp các căn hộ trong dự án Him Lam Riverside


Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát, đơn vị có tên thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 thuộc cao ốc Hưng Phát tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn cũng phản hồi, tất cả 10 căn hộ này là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ chưa bán ra cho khách hàng. Tương tự, 6 sàn thương mại tầng 2,3,17 cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của Công ty Hưng Lộc Phát, do vậy công ty có thể thế chấp phần tài sản này cho ngân hàng mà không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng đã mua nhà thuộc dự án này. Hưng Lộc Phát cũng khẳng định, những khách hàng mua căn hộ Hưng Phát đều đã được bàn giao giấy tờ chủ quyền nhà vào ngày 13/3/2016.

Ông Lê Hùng Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH xây dựng kinh doanh nhà Gia Hòa cũng cho biết, dự án của Gia Hòa đã được Vietbank nhận thế chấp để bảo lãnh việc sẽ hoàn thành dự án theo điều 56 của Luật kinh doanh bất động sản chứ Gia Hòa không vay vốn tại Vietbank.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA), trong quá trình sản xuất, kinh doanh, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp là bình thường.

Ông Lê Hoàng Châu phân tích, theo quy định tại khoản 1 điều 147 Luật Nhà ở 2014, chủ đầu tư dự án đã bị thế chấp vẫn được quyền bán, chuyển nhượng, cho thuê nhà ở của dự án với điều kiện phải được ngân hàng nhận thế chấp có văn bản chấp thuận; người mua nhà tại các dự án đã bị thế chấp ngân hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp văn bản của ngân hàng chấp thuận cho chủ đầu tư được bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn.

Hầu hết các chuyên gia và chủ đầu tư dự án ủng hộ việc công bố thông tin dự án thế chấp và cho rằng điều này sẽ góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần phân loại để không bị hiểu nhầm là doanh nghiệp đã mang dự án thế chấp ngân hàng mà còn bán cho khách hàng. Theo ông Lê Hùng Mạnh, Sở Tài nguyên & Môi trường khi công bố dự án thế chấp ngân hàng có thể phân làm ba loại, gồm: thế chấp để thực hiện quy định bảo lãnh theo quy định, thế chấp dự án để vay tiền nhưng đang hoạt động lành mạnh và doanh nghiệp thế chấp đang có vấn đề để không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp đang làm ăn nghiêm túc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 77 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng: Nhiều doanh nghiệp “kêu oan”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.