Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Cấp ủy phải làm “nhạc trưởng”

Võ Lâm| 20/10/2016 07:01

(HNM) - Ngày 15-9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.

Nhờ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đường Vành đai 2 đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: Anh Tuấn


Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tốc độ phát triển của Thủ đô trong những năm tới phụ thuộc rất lớn vào công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất. Để công tác này đạt hiệu quả như mong muốn, việc cấp ủy nắm vai trò “nhạc trưởng” là hết sức quan trọng.

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Nghị quyết 08/NQ-TU được ban hành với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết phải giảm dần các vụ việc khiếu kiện, không để phát sinh “điểm nóng” và tình trạng khiếu kiện đông người do nguyên nhân thu hồi đất, GPMB.

Đặc biệt, Nghị quyết đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, của người đứng đầu cấp ủy. Theo đó, các cấp ủy đảng có trách nhiệm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác GPMB, đưa việc lãnh đạo công tác GPMB vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao. Người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB của địa phương, đơn vị mình. Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đồng thời phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác GPMB, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân đối với công tác này.

Nghị quyết được ban hành được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tạo nên bước đột phá trong công tác GPMB. Đến thời điểm này, tinh thần vào cuộc, sự quan tâm hưởng ứng của các cấp ủy đảng hết sức tích cực. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Phương Kiến Quốc cho biết, Quận ủy đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU, trong đó một trong những việc đầu tiên sẽ được triển khai là tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến trong toàn Đảng bộ, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân trên địa bàn. “Điều rất thuận lợi cho chúng tôi là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận vừa qua đã xác định GPMB là một trong ba khâu đột phá của quận trong nhiệm kỳ 2015-2020. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì Tổ tuyên truyền do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận làm Tổ trưởng, với sự tham gia của các ban Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quận” - đồng chí Phương Kiến Quốc nói.

Vào cuộc đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp

Trước khi Nghị quyết 08/NQ-TU được ban hành, công tác GPMB đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều địa phương có sáng kiến, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác GPMB. Điển hình như Quận ủy Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm từng xác định chủ đề công tác năm là GPMB để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ở những nơi này, cấp ủy thực sự đã nắm vai trò “nhạc trưởng” lãnh đạo cả hệ thống chính trị thực hiện công tác GPMB.

Tuy vậy, trên bình diện chung, số cấp ủy chủ động xác định công tác GPMB là trọng tâm, thường xuyên chưa nhiều. Vai trò “nhạc trưởng” của một số cấp ủy chưa rõ, vẫn còn tình trạng “phó mặc” cho UBND cùng cấp. Đây là hạn chế cần được khắc phục triệt để trong quá trình khi triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TU. Các cấp ủy phải thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác GPMB. Điều quan trọng nữa theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, cấp ủy cần thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết phải coi trọng việc vận động nhân dân, tạo đồng thuận ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, công trình. Khi xảy ra mâu thuẫn, bức xúc, khiếu kiện liên quan đến GPMB, cấp ủy phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm ngay từ cơ sở.

Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án (trong đó có 52 dự án, công trình trọng điểm) với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 60.000 tỷ đồng, cần bố trí tái định cư cho khoảng 19.000 hộ dân. Khối lượng công việc lớn, ý nghĩa xã hội quan trọng của công tác GPMB đòi hỏi các cấp ủy đảng vào cuộc quyết liệt với trách nhiệm cao. Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải: “Giai đoạn 2016-2020, khối lượng GPMB của thành phố gấp đôi so với giai đoạn trước, đòi hỏi phải có cách làm mới, đặc biệt là sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác GPMB không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, mà còn góp phần duy trì sự ổn định xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Cấp ủy phải làm “nhạc trưởng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.