Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều vi phạm đất đai, môi trường chưa xử lý dứt điểm

Nguyên Hà| 28/11/2016 06:43

(HNM) - Nhờ chuyển hướng sản xuất từ nông nghiệp sang nghề giặt vỏ bao tải và tái chế nhựa, nhiều hộ dân ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) đã có thu nhập ổn định. Thế nhưng, do thiếu mặt bằng sản xuất, từ năm 2013 trở lại đây, trên địa bàn thôn Dược Hạ đã phát sinh 27 trường hợp có hành vi xây dựng công trình trái phép.


Ô nhiễm môi trường lan rộng


Theo số liệu phóng viên thu thập, nghề giặt vỏ bao tải và tái chế nhựa bắt đầu xuất hiện ở thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược cách đây 12 năm, với khoảng 100 hộ làm nghề này. Hầu hết các hộ sản xuất đều mang tính tự phát. Một số hộ còn hoạt động không đúng với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc kinh doanh chưa đủ điều kiện theo quy định. Chính vì đa số hộ tái chế nhựa không có ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp xử lý chất thải theo quy định nên trong quá trình sản xuất đã liên tục xả đủ các loại rác, khí thải độc hại thẳng ra khu vực dân cư. Một số người dân thôn Dược Hạ đã mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt kinh niên.

Một xưởng sản xuất vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược.


Phản ánh với phóng viên, những gia đình sống đối diện với các xưởng tái chế nhựa ở khu vực Cây Xanh, Bãi Lầy, Mồ Mả… cho biết: Kinh hoàng nhất là vào chiều tối, quanh thôn, xóm dường như bị bao phủ dày đặc một màn khói đen từ các xưởng sản xuất, khiến nhiều gia đình không dám mở cửa. Đã thế, về ban đêm lại phải chịu đựng tiếng ồn “đinh tai, nhức óc”, khiến trẻ em không thể chú tâm học tập. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, mệt mỏi.

Do không chịu nổi tình trạng ô nhiễm, thời gian qua người dân thôn Dược Hạ đã nhiều lần phản ánh sự việc đến chính quyền và các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, phải đến ngày 14-6-2012, UBND xã Tiên Dược mới có Quyết định số 321/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường của các hộ tái chế nhựa trên địa bàn thôn Dược Hạ. Căn cứ vào kết quả điều tra của UBND xã Tiên Dược, ngày 18-10-2012 Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Sóc Sơn có Báo cáo số 756/BC-TN&MT kèm theo danh sách đề nghị xử phạt hành chính đối với 14 hộ vi phạm Khoản 4, Điều 7, Nghị định số 117 của Chính phủ. Đến ngày 23-10-2012, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định số 1015/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền (20 triệu đồng) với hộ ông Nguyễn Văn Chí và các hộ còn lại.

Thế nhưng, có lẽ do việc thực hiện quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện đối với các hộ vi phạm không nghiêm túc, nên đến nay nhiều hộ vẫn chưa chấp hành nộp phạt và chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Làm nhà xưởng trên đất nông nghiệp

Không những không nộp phạt về hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, một vài trường hợp còn ngang nhiên tái phạm, tiếp tục mở rộng quy mô nhà xưởng trên cả đất nông nghiệp như các hộ gia đình ông Trần Lâm, Lê Văn Hoan, Vũ Văn Chung, Nguyễn Văn Thành, Bùi Văn An, Ngô Văn Thảo, Nhữ Quốc Hùng…

Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược còn có thêm 20 trường hợp đã tự ý xây dựng nhà xưởng, công trình phụ trợ phục vụ cho việc tái chế nhựa rộng hàng nghìn mét vuông đất vốn không được phép xây dựng ở hồ Đồng Lạc, khu Mồ Mả, Cây Xanh, Xóm Trại, Bãi Giếng…

Ngày 25-11, có mặt ở thôn Dược Hạ, phóng viên nhận thấy, trên địa bàn xã Tiên Dược còn khoảng 45 cơ sở tái chế nhựa. Trong đó, có 27 trường hợp tự ý xây dựng nhà xưởng, công trình quy mô, kiên cố trên đất nông nghiệp. Theo ông Trịnh Xuân Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dược, để giải quyết tình trạng này, ngày 10-11-2016, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong hoạt động xây dựng đối với 27 trường hợp vi phạm.

Cũng cần nói thêm, mặc dù nội dung trong các quyết định xử lý vi phạm hành chính, UBND huyện Sóc Sơn đã nêu rõ: “Trong thời hạn 10 ngày (kể từ ngày giao quyết định) nếu chủ đầu tư vi phạm không tự tháo dỡ toàn bộ công trình, nhà xưởng, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu sẽ bị cưỡng chế thi hành”. Thế nhưng, đến nay đa số chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện quyết định của UBND huyện. Trái lại, họ ngày đêm tổ chức sản xuất, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống trong các khu dân cư.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và giúp người dân thôn Dược Hạ sớm thoát khỏi tình trạng chung sống với ô nhiễm, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn nhanh chóng vào cuộc, có biện pháp xử lý nghiêm, dứt điểm những vi phạm nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vi phạm đất đai, môi trường chưa xử lý dứt điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.