Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất động sản TP Hồ Chí Minh: Vẫn trong chu kỳ tăng trưởng

Đặng Loan| 06/01/2017 02:57

(HNM) - Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoReA), thị trường BĐS năm 2016 đã có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn một số yếu tố rủi ro. Tuy vậy, HoReA vẫn dự báo BĐS năm 2017 trên thị trường thành phố vẫn trong chu kỳ tăng trưởng.

Năm 2017 thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh cần nhiều căn hộ dành cho đối tượng thu nhập thấp.


Duy trì đà tăng trưởng

Thống kê từ HoReA cho biết, giao dịch BĐS 11 tháng năm 2016 trên thị trường TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 14.000 giao dịch, giảm hơn 10% so với năm 2015 (có 18.700 giao dịch). So với năm 2015, năm 2016 giá bán căn hộ tăng trung bình khoảng 5%, đất nền tăng khoảng 10%, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Theo đó, các rủi ro là hiện tượng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng, nhưng thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết nhu cầu cấp bách của người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư; có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp...

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố vẫn còn 500 dự án bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án BĐS dở dang. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách điều chỉnh thị trường BĐS bước đầu đã được đổi mới, có nhiều tiến bộ hơn trước, nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý thực sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Thủ tục hành chính, con người hành chính vẫn là lực cản rất lớn cho sự phát triển.

Theo các chuyên gia về BĐS, việc phát triển mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ giúp tái cân bằng thị trường và giảm thiểu rủi ro. Dự báo thị trường BĐS thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết sự lệch pha cung - cầu hiện tại. Tín hiệu tốt trên thị trường là đã có nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mạnh sang phân khúc BĐS có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Chẳng hạn Tập đoàn Vingroup vừa công bố kế hoạch phát triển 200-300 nghìn căn nhà có giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn trong 5 năm tới. Các công ty lớn khác của TP Hồ Chí Minh như Him Lam, Hưng Thịnh, Hưng Lộc Phát, Phúc Khang, Nam Long, Đức Khải, Kiến Á, Dream Home… cũng cho biết năm 2017 sẽ đầu tư nhiều hơn vào phân khúc BĐS vừa túi tiền người mua.

Giải quyết “điểm nghẽn”


Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoReA, hiện nay có 4 "điểm nghẽn" lớn trong thị trường BĐS. Thứ nhất là giải phóng mặt bằng rất khó khăn dẫn đến tình trạng dự án không thể triển khai được. Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có đến 500 dự án ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Thứ hai là tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, chưa minh bạch nên tạo ra cơ chế "xin - cho". Thứ ba là thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. “Điển nghẽn” thứ tư là chính sách tín dụng chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS, trong lúc tính chất hoạt động của thị trường này là trung hạn, dài hạn; lãi suất cho vay vẫn còn cao; thiếu nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội. Theo HoReA, giải quyết được các “điểm nghẽn” này sẽ giúp thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong năm 2017 xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ là tất yếu; hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây. Trong khi đó, theo HoReA, hiện quy định về chuyển nhượng dự án BĐS trong Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản vẫn chưa hợp lý, không đáp ứng nhu cầu của thị trường khiến chuyển nhượng dự án BĐS cũng đang là một "điểm nghẽn". HoReA kiến nghị, cần cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản theo nhu cầu của các doanh nghiệp.

HoReA cũng cho rằng, từ năm 2013, khi các công ty BĐS như Novaland, Hưng Thịnh, An Gia, Phúc Khang, Khang Điền… mua lại các dự án bị dang dở và xây dựng lại, sản phẩm được thị trường hấp thụ tốt đã góp phần vào sự hồi phục của thị trường. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện để doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS thông thoáng hơn sẽ thúc đẩy hoạt động này mạnh hơn, góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường trong năm 2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất động sản TP Hồ Chí Minh: Vẫn trong chu kỳ tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.