Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Trung Dũng| 18/03/2017 08:29

(HNM) - Tính đến tháng 2-2017, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) đã bán được 154.160 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước (SHNN). Hiện vẫn còn 13.815 căn nhà chưa thể bán vì nhiều lý do, vướng mắc khác nhau, muốn giải quyết được cần sự nỗ lực từ nhiều ngành, nhiều cơ quan...


Đủ hồ sơ vẫn phải chờ

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (phố Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng) có người thân là chủ hợp đồng căn hộ tại Khu tập thể (KTT) Công ty Xây dựng công nghiệp (phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng) đi lại gần 2 năm trời vẫn chưa hoàn thành thủ tục mua nhà ở cũ thuộc SHNN. Lý do là hồ sơ mua nhà của gia đình đã đầy đủ nhưng phải chờ hướng dẫn mới.



Trường hợp của chị Oanh chỉ là một ví dụ trong số 3.000 căn nhà đã có hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa được hoàn tất thủ tục bán. Nhìn lại quá trình bán nhà ở thuộc SHNN kể từ Nghị định 61/CP ngày 5-7-1994 có hiệu lực, đến nay đã qua hơn 20 năm thực hiện với 3 lần rút ngắn thời gian thụ lý và giảm các thủ tục hành chính nhưng nhiều người dân vẫn phải chờ đợi.

Ông Phạm Sỹ Vinh, Trưởng phòng Bán nhà (Xí nghiệp Quản lý nhà Hai Bà Trưng) cho biết, đầu tiên phải kể đến sự thay đổi quy định pháp lý liên quan đến bán nhà SHNN khi Nghị định 61/CP được thay thế bằng Nghị định 34/2013/NĐ-CP ngày 22-4-2013. Ngày 19-9-2013, Thông tư 14/2013/TT-BXD hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 34/2013/NĐ-CP về quản lý sử dụng nhà ở thuộc SHNN. Nghị định 99/2015/NĐ-CP ban hành ngày 20-10-2015 thay thế Nghị định 34/2013/NĐ-CP thì Thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 99/2015/NĐ-CP đến ngày 15-8-2016 mới có hiệu lực thi hành.

Để hướng dẫn việc bán nhà ở SHNN tại TP Hà Nội theo Nghị định 34/2013/NĐ-CP là Quyết định 35/2014/QĐ-UBND ngày 15-8-2014. Nhưng khi Nghị định 99/2015/NĐ-CP và Thông tư 19/2016/TT-BXD có hiệu lực thi hành, Hà Nội phải dự thảo quy trình ký Hợp đồng thuê nhà ở cũ, tiếp nhận nhà và bán nhà ở cũ thay thế Quyết định 35/2014/QĐ-UBND. Nhận thấy thời gian ban hành quy trình mới không thể nhanh, Sở Xây dựng đã đề xuất thành phố vẫn thực hiện quy trình bán nhà theo Quyết định 35/2014/QĐ-UBND cho các đối tượng phù hợp.

Hàng chục nghìn hồ sơ còn vướng mắc

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2017, Sở Xây dựng đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cùng các xí nghiệp quản lý nhà trực thuộc khẩn trương hoàn tất thủ tục để bán 3.000 căn nhà ở SHNN đủ điều kiện.

Còn lại 10.815 hồ sơ (trong đó 4.241 trường hợp có đơn mua nhà) là nhà ở không đủ điều kiện được bán. Ngoài ra còn số lượng lớn nhà ở (khoảng 20.000 căn) có nguồn gốc thuộc SHNN nhưng do các cơ quan tự quản lý nay cơ quan đã giải thể, sáp nhập hoặc không còn quản lý, để các hộ dân tự quản... không đủ điều kiện bàn giao về Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để quản lý và thực hiện bán nhà theo quy định. Sở TN-MT đang hướng dẫn các quận (huyện, thị xã) tiếp nhận hồ sơ và xét cấp giấy chứng nhận đối với những trường hợp này.

Nguyên nhân khác khá quan trọng, tác động mạnh đến công tác bán nhà là giá bán nhà ở cũ thuộc SHNN theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP tăng trung bình gấp 6 lần so với giá bán nhà của Nghị định 61/CP nên nhiều hộ gia đình đã trì hoãn việc mua nhà.

Rõ ràng công tác bán nhà thuộc SHNN vốn là sản phẩm tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp (UBND các phường, thuế, tài chính, quy hoạch kiến trúc, văn phòng đăng ký đất đai) đã chưa có được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Việc ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn thực hiện về quy trình, thủ tục, hồ sơ, giá bán và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc còn chậm.

Hiện nay, thành phố đã có Quyết định số 01/2017/QĐ-UBND về việc ban hành hệ số K điều chỉnh giá đất đối với nhà ở cũ riêng lẻ thuộc SHNN có khả năng sinh lời cao tại vị trí mặt đường, mặt phố khi bán nhà và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn TP Hà Nội. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng từ nhiều năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn nhiều vướng mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.