Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh thất thoát trong đấu giá “đất vàng”

Bách Sen| 24/06/2017 06:58

(HNM) - Theo thông tin Chính phủ mới công bố, tổng quỹ đất do các cơ quan, tổ chức quản lý ước tính chiếm hơn 65% tổng giá trị toàn bộ tài sản nhà nước, tương đương hơn 682 nghìn tỷ đồng. Song, việc quản lý quỹ đất này còn bộc lộ bất cập.

Việc Chính phủ có chủ trương đấu giá đất công khai sẽ tạo một hành lang pháp lý để tránh thất thoát. Ảnh: Nhật Nam


Đẩy mạnh đấu giá công khai

Hiện nay, có hàng nghìn khu đất công tại các địa phương đang trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng được doanh nghiệp thâu tóm. Song việc giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước còn có lỗ hổng. Từng có những khu đất trong quá trình chuyển đổi đã bị giảm giá trị khoảng 2-3 lần so với giá thị trường. Vì vậy, Chính phủ đẩy mạnh giải pháp đấu giá công khai, đặc biệt là những vị trí đất “vàng” và thực hiện ngay trong năm 2017.

Theo luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội), triển khai theo hướng này người dân sẽ có cơ sở cùng giám sát, tránh tình trạng “họp kín” giữa các cơ quan liên quan để định giá đất. Nhưng hoạt động đấu giá tài sản còn nặng tính hình thức, rất cần có định hướng rõ ràng hơn để ngăn chặn việc kiếm lời từ mua bán tài sản công.

Vụ lùm xùm trong đấu giá khu đất và tài sản trên đất tại 120 Quán Thánh, quận Ba Đình, cách đây 2 năm để lại nhiều bài học khi thông tin về bán đấu giá đất “vàng” này được cung cấp rất “nhỏ giọt”. Sau đó, chỉ có hai người đủ điều kiện tham gia. Người thắng đấu giá trả 50 tỷ đồng, chỉ chênh so với giá khởi điểm hơn một trăm triệu đồng, rồi qua nhiều kênh khác nhau, tiếp tục rao bán với mức giá tới 110 tỷ đồng. Khi báo chí đưa tin, vụ việc đã bị đình lại, hợp đồng đấu giá này không thành công.

Những kịch bản “quân xanh, quân đỏ” như trên không hiếm trong thực tế. Một hình thức khác khiến nhiều tổ chức, cá nhân không tiếp cận được những mảnh đất sẽ bán đấu giá là đăng thông tin đấu giá khi đã hết hạn đăng ký, đưa ra các điều kiện tham gia đấu giá khó khăn. Bà Lê Thị Kim Dung (Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết, có nhiều phản ánh về Tổng cục Thi hành án dân sự rằng, các tổ chức đấu giá gây khó cho người mua như hạn chế bán hồ sơ, cho điện thoại liên hệ nhưng gọi không ai nhấc máy. Có trường hợp ở Hà Nội gần hết thời gian mua hồ sơ thì đơn vị tổ chức đấu giá lại yêu cầu thêm thủ tục, nên người tham gia đấu giá không còn thời gian hoàn thiện và mất quyền tham gia...

Chú trọng niêm yết, bổ sung đấu giá trực tuyến

Tại hội nghị quán triệt Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (hiệu lực từ ngày 1-7-2017) tổ chức cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tư pháp khẳng định, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có nhiều chế tài để bịt kẽ hở dễ dẫn đến tiêu cực khi đấu giá. Đáng chú ý, luật đặc biệt chú trọng khâu niêm yết, thông báo công khai thông tin về tài sản, tăng tỷ lệ tiền đặt trước để tránh rủi ro, giảm người không có nhu cầu thực sự tham gia đấu giá; bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, là hình thức có tính hiệu quả, minh bạch cao hơn rất nhiều.

Xác định trong đấu giá tài sản đất có nguồn gốc nhà nước, người đại diện chủ sở hữu có vai trò quan trọng. Nếu họ liên kết, thông đồng với tổ chức bán đấu giá và tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá thì hậu quả để lại rất nặng nề. Do đó, luật còn có chế tài yêu cầu nâng cao trách nhiệm của đơn vị được giao nhiệm vụ bán tài sản, đơn vị giám sát cuộc đấu giá. Ngoài giải pháp nêu trên, bà Lê Thị Kim Dung cho biết, sắp tới Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ rà soát những đơn vị nào có sai sót trong đấu giá, chấn chỉnh kịp thời; công bố danh sách các cơ quan tổ chức đấu giá có uy tín.

Ở cấp cơ sở, các địa phương có nhiều tổ chức đấu giá tài sản như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương… cũng đang chuẩn bị về mọi mặt, từ rà soát văn bản đến nâng cao trình độ của đội ngũ đấu giá viên để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, thành lập các tổ chức xã hội nghề nghiệp của đấu giá viên. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương chia sẻ, Sở Tư pháp Hà Nội đã tham mưu trình UBND thành phố ban hành kế hoạch về triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn Hà Nội. Từ đó, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan khi thi hành luật.

Ở góc nhìn khác, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương Nguyễn Đại Dân kiến nghị: Ngoài đấu giá tài sản tăng giá trị lên đang áp dụng hiện hành, phương thức đấu giá xuống (trả giá thấp hơn giá khởi điểm) trong Luật Đấu giá tài sản năm 2016 là nội dung hoàn toàn mới, cần giám sát việc thực hiện chặt chẽ vì không phải trường hợp nào cũng có thể đặt giá xuống. Đặc biệt, để tài sản đấu giá có thể bán sát giá thị trường, luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cần tăng tỷ lệ phần trăm thưởng bán vượt giá khởi điểm nhằm khuyến khích các tổ chức bán đấu giá chủ động đưa tài sản ra đấu giá công khai. Việc này sẽ tạo cho hoạt động đấu giá thực sự cạnh tranh và sôi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh thất thoát trong đấu giá “đất vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.