Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách nào thu hút đầu tư nhà ở giá thấp?

Thanh Hải| 14/08/2017 08:05

(HNM) - Phân khúc nhà ở thương mại giá thấp được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn cung trong thời gian tới khi có sự cam kết của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn.


Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường vẫn bị mất cân đối nguồn cung, phân khúc bất động sản cao cấp gia tăng mạnh nhưng vẫn thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền... Chị Nguyễn Mai Lan, nhân viên Công ty cổ phần Dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, gần đây, thị trường bất động sản dần khởi sắc, khách hàng đến tìm hiểu để mua nhà tăng mạnh. Đa phần nhu cầu của người dân là tìm những căn hộ trung bình, có giá bán dưới 1 tỷ đồng. Nhưng ở phân khúc này, công ty lại không có nhiều sản phẩm cho người mua lựa chọn.

Tại cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội, đã đề nghị các hội viên tham gia đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ bởi theo ông nhu cầu của người dân chưa bao giờ cao như hiện nay. Ông Nam dẫn chứng: "Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn, trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Ở các khu công nghiệp, hiện nay mới có 20% người lao động có nơi ở ổn định...".

Trong khi đó, theo ông Vũ Gia Cường, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đô thị Từ Liêm, sở dĩ doanh nghiệp không mặn mà với việc phát triển nhà ở thương mại giá thấp vì liên quan đến cơ chế, chính sách. Trong khi các dự án nhà ở xã hội có những ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế suất, hay các khu vực đất sạch sẵn có hoặc đã được quy hoạch thì nhà ở thương mại giá thấp lại không có được điều này.

Cùng quan điểm đó, nhiều công ty bất động sản cho rằng, đầu tư vào phân khúc nhà ở giá rẻ thực chất vẫn chỉ là nhà ở thương mại giá rẻ mà không phải nhà ở xã hội nên không được hưởng các ưu đãi. Để hạ giá thành, chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải lựa chọn phương án thiết kế các căn hộ có diện tích nhỏ, tận dụng tối đa các chỉ tiêu xây dựng.

Tuy nhiên, lựa chọn này kéo theo xu hướng tận dụng các dự án đã được chấp thuận đầu tư để điều chỉnh mục đích đầu tư, điều chỉnh quy hoạch 1/500. Nhưng việc điều chỉnh chia nhỏ căn hộ sẽ tăng mật độ xây dựng dẫn tới vượt định mức các chỉ tiêu về dân số một cách cục bộ và so với quy hoạch phân khu, dễ gây quá tải cho hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án.

Tại cuộc họp Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nói trên, một số doanh nghiệp đã có cam kết phát triển nhà ở thương mại giá thấp, điển hình như Tập đoàn FLC cho biết sẽ xây dựng 15.000 căn hộ diện tích 25 - 50m2, mức giá từ 400 đến 500 triệu đồng/căn. Theo kế hoạch, FLC sẽ xây dựng dự án tại các huyện ngoại thành Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Định, Thái Bình...

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện Nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhà ở giá thấp. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 25-1-2017, về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp.

Theo đó, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi (thuế, tiền sử dụng đất…) để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng đồng thời có sự hỗ trợ, cho vay vốn đối với chủ đầu tư cũng như đối với khách hàng, người mua để đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách nào thu hút đầu tư nhà ở giá thấp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.