Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa Luật Đất đai năm 2013: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Hà Phong| 04/01/2018 07:17

(HNM) - Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29-11-2013, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014. Qua hơn 3 năm triển khai cho thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập và việc sửa luật là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc sửa Luật Đất đai là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Nhật Nam


Nhiều vướng mắc

Tổng hợp đánh giá thi hành Luật Đất đai năm 2013 của các tỉnh, thành phố cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành, trong đó chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực: Giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư hạn chế, dẫn đến nguồn lực đất đai vẫn chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Thậm chí, có trường hợp định giá đất để tính thu thuế chưa phù hợp, gây khiếu nại, tố cáo.

Đề cập vướng mắc trong quá trình thu hồi đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội Bùi Duy Cường chỉ rõ, Luật Đất đai năm 2013 nêu, căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Song thực tế, tại địa bàn Hà Nội, nhiều dự án có quy mô lớn, thời gian thu hồi giải phóng mặt bằng kéo dài, thường trên 2 năm.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 52 của luật, khi thu hồi đất dự án đã được đăng ký tại danh mục các dự án thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, diện tích đất thu hồi này khi thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất một lần nữa lại phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Với tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng có bất cập bởi quy định về xác định giá đất còn chồng chéo, chưa rõ ràng về thẩm quyền giữa cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường. Luật quy định chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp, không còn khoản hỗ trợ bằng 50% giá đất ở. Trong khi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân từ đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì thu tiền bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.

Điều này gây mâu thuẫn về lợi ích, khó khăn trong giải phóng mặt bằng… Ngoài ra, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Đát, đối với dự án khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án mới với số lượng hộ gia đình và tổ chức sử dụng đất bị ảnh hưởng lớn thì Luật Đất đai năm 2013 quy định việc quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong cùng một ngày là hết sức khó khăn khi thực hiện.

Lấp lỗ hổng thể chế

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, tỷ lệ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm khoảng 70% trong các trường hợp khiếu nại, tố cáo. Để lấp các kẽ hở về thể chế, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá việc tổ chức thi hành luật, đồng thời rà soát tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật giữa Luật Đất đai và các luật khác xem “vênh nhau” ở đâu, từ đó có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, việc sửa đổi, bổ sung luật phải phù hợp với quan điểm, cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; phù hợp với đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Song song với đó, tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp; khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tài sản đất đai.

Tuy nhiên, liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, đất đai vốn là lĩnh vực rất phức tạp, ở thời nào cũng có những biến động. Sở dĩ những vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc phần lớn là do chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích của người sử dụng đất; các thông tư, nghị định chưa cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, để điều chỉnh những bất cập, chỉ sửa một phần những vướng mắc trong luật thực sự làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, kiềm chế sự phát triển của đất nước. Còn lại, nên thể hiện bằng thông tư, nghị định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 theo các nhóm: 1. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng; giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và hình thức chỉ định; người sử dụng đất... 2. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc chuyển dịch đất đai như thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 3. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng đất nông nghiệp như quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân... 4. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tài chính, đất đai, giá đất. 5. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa Luật Đất đai năm 2013: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.