Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết không để nhà siêu mỏng, siêu méo

Phương Nhi| 13/01/2018 06:40

(HNM) - Dự án xây dựng tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài có vai trò quan trọng trong việc góp phần điều tiết nhu cầu giao thông, hạn chế ùn tắc khu vực nội đô nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng. Dự án góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị khu vực nên chính quyền sở tại tỏ rõ thái độ kiên quyết, không để tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo.

Một công trình “kỳ dị” ngay đầu đường Đại Cồ Việt Ảnh: BÁo xây dựng



Tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu kéo dài, nối từ đoạn giao với phố Tô Hiến Thành đến đường Đại Cồ Việt, có tổng chiều dài là 603,7m thuộc địa bàn phường Lê Đại Hành, có mặt cắt ngang 17m, gồm mỗi bên hè đường 5m và lòng đường 7m với 2 làn xe. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ góp phần điều tiết giao thông, hạn chế ùn tắc cho khu đông dân cư và khu vực có nhiều trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức như Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội và các trường học như Trường Tiểu học Tây Sơn, Trường THCS Tây Sơn, Trường Mầm non Lê Đại Hành… Tuyến đường cũng giúp các phương tiện tăng khả năng tiếp cận đường Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân và phát huy hiệu quả đầu tư của dự án đường Vành đai 1. Vì vậy, sớm đưa vào khai thác sử dụng dự án đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài là thực sự cần thiết và cấp bách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố.

Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), dự án thu hồi đất đối với 75 hộ gia đình, cá nhân và 6 tổ chức. Trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, có 10 hộ gia đình, cá nhân không nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, bằng công tác vận động, tuyên truyền, đối thoại với người bị thu hồi đất, đến hết ngày 15-11-2017, toàn bộ 10 hộ dân trong diện phải cưỡng chế đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội) thực hiện việc phá dỡ, thu hồi mặt bằng để thi công dự án.

Liên quan đến thông tin cho rằng, tại Dự án đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài xuất hiện một số công trình siêu mỏng, siêu méo, ông Hải khẳng định: "Chúng tôi cùng đoàn liên ngành của quận, Thanh tra Sở Xây dựng đi kiểm tra, giám sát và kiên quyết không để trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo nào tồn tại. Theo phản ánh, công trình tại số nhà 120 đường Đại Cồ Việt có khả năng sau giải phóng mặt bằng sẽ xuất hiện công trình diện tích nhỏ, nhưng hiện nay trường hợp này đã tiến hành hợp thửa, hợp khối thành công. Cụ thể, hộ ông Đoàn Anh Tuấn (ở tầng 1), sau thu hồi đất còn lại là 7,75m2 đã hợp khối với hộ ông Nguyễn Hồng Tiến, diện tích 45,5m2 ở bên trong. Sau hợp khối tổng diện tích ở tầng 2 của hộ bà Nguyễn Thị Hà là 53,25m2".

Ông Hải cũng cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn phường, đặc biệt trên tuyến đường này luôn được giám sát chặt chẽ. Chính quyền địa phương kiên quyết không để trường hợp nào vi phạm về trật tự xây dựng như xây không phép, xây quá chiều cao, mật độ. Đối với hộ ông Lê Mạnh Hùng và bà Đinh Thị Hằng (địa chỉ số 9, ngõ 72, Vân Hồ 3) diện tích còn lại sau cắt xén là 18,5m2 đã được cấp phép xây dựng 4 tầng, 1 lửng, 1 tum và hiện tại gia đình đã xây đúng giấy phép. Với hộ ông Lê Thanh Long và bà Lê Thị Bích Ngọc (địa chỉ số 41, ngõ 9, Vân Hồ 3) phần diện tích không thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng đã được cấp phép xây dựng nhà 5 tầng...

Hiện tại, tuyến đường đang gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, góp phần giải quyết những bất cập về giao thông tại khu vực, qua đó từng bước chỉnh trang, tô đẹp thêm bức tranh đô thị của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết không để nhà siêu mỏng, siêu méo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.