Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãng phí đất - Chuyện không mới

Thanh Hải| 26/03/2018 07:18

(HNM) - Đất bỏ hoang gây lãng phí là câu chuyện không mới. Không những thế, nhiều khu đất do không được quản lý chặt chẽ, bị lấn chiếm trái phép, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn...


Câu chuyện về khu đất mương Sau Đồng, thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì là một ví dụ. Ông Nguyễn Minh Hồng, Trưởng thôn Văn Điển cho biết, khu đất này rộng gần 1.000m2, trước là tuyến mương nội đồng. Tuy nhiên, sau quá trình đô thị hóa, đất ruộng đã "nhường chỗ" cho dự án nên tuyến mương không còn được sử dụng, trở thành nơi tập kết phế thải xây dựng, rác thải gây ô nhiễm môi trường. "Thậm chí, giữa năm 2014, một số đối tượng ở nơi khác đến san lấp mương, lấn chiếm lắp dựng các container. Nhiều đối tượng nghiện hút cũng tới đây tiêm chích gây mất an ninh trật tự khu vực. Bà con trong thôn, Chi bộ, Ban Công tác mặt trận thôn đã họp và kiến nghị UBND xã có biện pháp bảo vệ đất và gìn giữ an ninh trật tự địa phương" - ông Hồng cho biết.


Ảnh mang tính minh họa: Internet


Sau khi có ý kiến của cộng đồng, chính quyền địa phương đã cưỡng chế, phá bỏ công trình vi phạm và rào khu đất này lại, nhưng tình trạng mất vệ sinh do mùi hôi thối bốc lên từ tuyến mương vẫn tồn tại. Khắc phục tình trạng này, xã đã đấu thầu cho thuê mặt bằng sử dụng khu đất và một doanh nghiệp trúng thầu sử dụng làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản.

Theo ông Tạ Đăng Doanh, Chủ tịch UBND xã Tứ Hiệp, toàn bộ số tiền thuê được nộp về Kho bạc Nhà nước. Đơn vị thuê đất phải cam kết bàn giao ngay và không yêu cầu bồi thường nếu Nhà nước thu hồi. Từ đó, ông Doanh cũng kiến nghị, cùng với việc thu hồi đất làm dự án, cần tính phương án quản lý, sử dụng đối với những thửa đất còn lại ngoài chỉ giới như trường hợp khu đất mương Sau Đồng, tránh tình trạng để hoang lãng phí, lấn chiếm, gây mất trật tự về sau.

Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng đất bỏ hoang lãng phí, cho thuê hoặc bị lấn chiếm trái phép không phải là chuyện mới. Quan sát tại Khu đô thị Cầu Giấy, việc đất dự án chưa triển khai, biến tướng để trục lợi diễn ra khá nhiều. Đơn cử như khu đất ngõ 92 phố Trần Thái Tông, phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) xuất hiện bãi xe Thành Công, sân bóng PVV, gara ô tô. Nhiều lô đất tại các tuyến phố Thành Thái, Trương Công Giai, lô đất D34 Khu đô thị Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), Mạc Thái Tông, Nguyễn Chánh, lô đất A5, A7 (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cũng xuất hiện nhiều công trình trái phép, gara ô tô, sân bóng, sân tennis, bãi trông giữ xe hoạt động vô tư... Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các dự án khi được giao đất đều có tiến độ triển khai, hoàn thành, vì vậy cần rà soát nếu chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì thu hồi, tránh tình trạng bỏ hoang.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quyết định thanh tra các dự án tồn tại cách đây nhiều năm, khi chính sách đất đai đã có thay đổi; hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất cấp cho các doanh nghiệp ở khu vực quận Cầu Giấy nhưng bị bỏ hoang, để tránh lãng phí. Đồng tình với kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra các dự án, đồng thời đề nghị thành phố chủ động lập danh sách các dự án đã được giao đất nhưng không sử dụng, nếu vi phạm thì nhất quyết thu hồi.

Để tận dụng được nguồn tài chính từ đất đai, thời gian tới, Hà Nội cần đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, hạn chế tình trạng giao, cho thuê đất theo hình thức chỉ định, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tiếp cận đất đai đối với mọi đối tượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lãng phí đất - Chuyện không mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.