Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện nghiêm chức trách quản lý quy hoạch đô thị

Việt Tuấn| 27/03/2018 07:14

(HNM) - Tốc độ đô thị hóa cao nên công tác quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội gặp không ít khó khăn, nảy sinh những tồn tại, hạn chế. Qua khảo sát thực tế của các ban thuộc HĐND thành phố cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác này, các cấp chính quyền cùng cơ quan chức năng cần tăng cường thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các ban HĐND TP Hà Nội khảo sát thực hiện quy hoạch hạ tầng xã hội tại quận Hoàng Mai.


Hạ tầng xã hội chưa đồng bộ

Thời gian gần đây, HĐND thành phố nhận được nhiều kiến nghị của cử tri về việc quản lý quy hoạch của thành phố chưa chặt chẽ, dẫn đến một số khu đô thị phát triển, nhưng hạ tầng xã hội thiếu đồng bộ. Nguyên nhân là các chủ đầu tư chỉ chăm lo xây dựng nhà để bán, mà không quan tâm, xây dựng hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, nhà sinh hoạt cộng đồng… theo quy định.

Mới đây, Ban Đô thị và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đã khảo sát về những vấn đề cử tri kiến nghị. Kết quả cho thấy, thực trạng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch và xây dựng các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng còn nhiều bất cập, thiếu trầm trọng trường học công, gây áp lực cho các trường học công tại khu dân cư cũ lân cận. Trong 78 dự án khu đô thị mới được quy hoạch đất xây dựng công trình hạ tầng xã hội (trường học, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa, cây xanh) thì mới có 36 dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; còn lại các dự án đang xây dựng hoặc chưa xây dựng, chủ yếu trên địa bàn các quận, huyện: Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm…

Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm) được thiết kế khá hoàn chỉnh với tỷ lệ hạ tầng cây xanh, môi trường rất tốt. Song thực tế, quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, như thiếu chợ dân sinh, địa điểm xây dựng nhà văn hóa, trường học… Tương tự, Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có diện tích 109ha, với hơn 1,2 vạn căn hộ chung cư, song đến nay, hạ tầng xã hội vẫn chưa được xây dựng đồng bộ, trường học công lập thiếu trầm trọng, mới có 1/6 trường xây dựng từ ngân sách nhà nước.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn bất cập. Việc bố trí quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội ở một số khu đô thị, khu nhà ở cao tầng chưa bảo đảm tính khả thi, dẫn đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (quy hoạch xây dựng trường học ở khu vực nghĩa trang, khu vực ao hồ, khu vực giao thông, khu vực khó giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch hành lang xanh…). Cùng với đó, đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp, kèm theo tỷ lệ người mua nhà để đầu tư, đầu cơ cao, nhận nhà không về ở, nên các chủ đầu tư xây dựng cầm chừng.

Công khai danh sách chủ đầu tư vi phạm

Theo Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh, để tăng trách nhiệm của cơ quan tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương quản lý trật tự xây dựng, UBND thành phố đã giao cho Sở rà soát tổng thể các đồ án quy hoạch; xây dựng dự thảo quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch; cấp giấy phép quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương trong công tác quản lý đô thị, vừa qua, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng tại các dự án. Trong đó, công khai danh sách các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch, sử dụng đất không đúng mục đích trong triển khai thực hiện dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, thời gian tới, thành phố chỉ xem xét giải quyết dự án tiếp theo đối với các chủ đầu tư không vi phạm quy hoạch, sử dụng đất đúng mục đích và nộp tiền sử dụng đất đúng hạn khi thực hiện dự án.

TP Hà Nội có 35 đồ án quy hoạch phân khu, 33 đồ án quy hoạch chung cấp quận, huyện, thị xã. Đến nay, 26 đồ án phân khu, 31 đồ án quy hoạch chung đã được UBND thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, UBND thành phố giao 19 đơn vị triển khai lập quy hoạch 28 khu chung cư cũ, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện. Đến nay, đã có 16 khu chung cư cũ triển khai hồ sơ ý tưởng quy hoạch theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện một số đồ án quy hoạch đặc thù, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, tích hợp các công nghệ, mô hình mới, hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề khó, phức tạp, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đó là quy hoạch mạng lưới hệ thống không gian gara ngầm trên địa bàn 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng; quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận...

Kinh nghiệm cho thấy, để quản lý tốt công tác quy hoạch đô thị, rất cần sự giám sát trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Chỉ khi công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền cùng ngành chức năng chặt chẽ mới không xuất hiện công trình vi phạm quy hoạch, hoặc chậm trễ thực hiện quy hoạch, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch tràn lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nghiêm chức trách quản lý quy hoạch đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.