Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín hiệu lạc quan trên bán đảo Triều Tiên

Đình Hiệp| 08/09/2013 05:46

(HNM) - Sau gần 6 tháng bị gián đoạn do căng thẳng leo thang, Hàn Quốc và Triều Tiên vừa chính thức nối lại đường dây nóng quân sự ở dọc biên giới chung giữa hai miền.



Cùng với nhất trí mở cửa trở lại Khu công nghiệp (KCN) chung Kaesong, tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về đoàn tụ các gia đình bị ly tán thời Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953, đường dây nóng quân sự được khai thông vào cuối tuần cho thấy cả hai miền trên bán đảo Triều Tiên đang không ngừng tìm tiếng nói chung vì hòa bình.

Hàn Quốc và Triều Tiên vừa nhất trí nối lại đường dây nóng quân sự.


Từng được sử dụng vào mục đích dân sự - quản lý người cũng như phương tiện ra vào KCN chung Kaesong (biểu tượng hợp tác kinh tế hiếm hoi giữa hai miền Triều Tiên được thành lập năm 2004 do các công ty Hàn Quốc đầu tư 100% với số vốn khoảng 900 triệu USD) - đường dây nóng quân sự giữa hai miền Triều Tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ hai nước. Hệ thống đường dây nóng quân sự giữa hai miền còn được thiết lập ở cả khu vực biên giới trên biển phía đông và phía tây của bán đảo.

Mặc dù rất quan trọng nhưng cuối tháng 3 vừa qua, Bình Nhưỡng đã đơn phương tuyên bố cắt đường liên lạc quân sự này sau khi bán đảo Triều Tiên rơi vào căng thẳng nghiêm trọng. Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã cắt đường dây nóng Chữ thập đỏ, vốn được sử dụng cho các liên lạc cấp chính phủ giữa hai nước do hai bên không có các quan hệ ngoại giao. Đường dây nóng quân sự bị ngắt không chỉ đẩy căng thẳng quan hệ hai nước nghiêm trọng hơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động của tổ hợp KCN Kaesong - nơi có hơn 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc cho 123 công ty Hàn Quốc với mức lương khoảng 110 USD/người/tháng.

Trong bối cảnh đó, đường dây nóng quân sự vừa được hai bên nhất trí nối lại kể từ ngày 6-9 vừa qua, sau khi Hội Chữ thập đỏ hai nước cũng đã khôi phục đường dây liên lạc ở Làng đình chiến Panmunjom là chỉ dấu cho thấy sự "ấm lên" trong quan hệ liên Triều. Thỏa thuận mới nhất này đạt được sau cuộc đàm phán cấp tiểu ban liên Triều về các điều chỉnh liên quan tới thông tin liên lạc và cách tiếp cận KCN Kaesong. Cùng với sự kiện khai thông kênh liên lạc "nóng", thêm một tín hiệu lạc quan nữa cũng vừa được phát đi từ Bình Nhưỡng khi lần đầu tiên Triều Tiên cho phép kéo cờ và cử quốc ca Hàn Quốc trên lãnh thổ nước này. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên mời các lực sĩ cử tạ Hàn Quốc tham dự Giải vô địch cử tạ Interclub và ASIAN Cup 2013 được tổ chức từ ngày 11 đến 17-9 tại thủ đô Bình Nhưỡng. Theo đó, nếu vận động viên Hàn Quốc đoạt huy chương vàng tại cuộc thi, quốc kỳ Hàn Quốc sẽ được kéo lên và quốc ca xứ Hàn cũng sẽ được cử hành trọng thể tại Triều Tiên lần đầu tiên.

Bên cạnh đó, mới đây Triều Tiên cũng đã mời các nhà ngoại giao nước ngoài tới để giải thích về chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng. Đây là sự kiện đối ngoại đầu tiên của Triều Tiên khi tổ chức một cuộc gặp như vậy; đồng thời thông báo thông tin với một số phóng viên tại Bình Nhưỡng. Những động thái hòa giải từ Bình Nhưỡng khiến dư luận khu vực lạc quan về một tương lai ổn định đang được khôi phục trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa con đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã bớt chông gai. Trong một phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Tư vấn thống nhất quốc gia, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye khẳng định rằng, chừng nào Bình Nhưỡng chưa từ bỏ chương trình hạt nhân thì hòa bình thực sự và thống nhất không thể tiến xa hơn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, mặc dù đã nhất trí nối lại các hoạt động tại KCN chung Kaesong, hai bên vẫn chưa thống nhất về thời điểm mở lại KCN chung này.

Với những gì đang diễn ra một lần nữa cho thấy, công cuộc khôi phục và đẩy tới quan hệ liên Triều đòi hỏi nỗ lực lớn hơn nữa của không chỉ những chủ nhân trên bán đảo mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng khu vực và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu lạc quan trên bán đảo Triều Tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.