Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối thoại hòa bình trên cơ sở lòng tin

Đình Hiệp| 02/06/2014 06:16

(HNM) - Là khu vực địa - chiến lược chính trị quan trọng và năng động về kinh tế trên thế giới, Châu Á - Thái Bình Dương đang phải đối mặt với không ít thách thức về an ninh khi những mâu thuẫn, xung đột lợi ích, tranh chấp chủ quyền lãnh hải trong khu vực ngày một gia tăng.



Việc một nước dùng sức mạnh quân sự để gây áp lực lên quốc gia khác không thể là con đường dẫn tới hòa bình, ổn định trong khu vực mà còn khiến tình hình ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đó là thông điệp quan trọng trong những thông điệp được nhiều diễn giả đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh Châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 - diễn ra từ ngày 30-5 đến 1-6 tại khách sạn Shangri-La ở Singapore - do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức.

Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) có những biểu hiện di chuyển vị trí. Các lực lượng Việt Nam đang tiếp tục theo dõi, xác định mục đích của sự việc này. Ảnh: Sơn Bách


Không phải ngẫu nhiên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, biển Hoa Đông cùng những mối lo ngại về an ninh đối với Châu Á lại trở thành chủ đề bao trùm của diễn đàn an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở khu vực. Với sự tham dự của gần 400 chuyên gia và quan chức quốc phòng đến từ 27 quốc gia, Đối thoại Shangri-La đã tập trung vào một loạt vấn đề nóng bỏng đang thu hút sự quan tâm của thế giới hiện nay. Đó là đóng góp của Hoa Kỳ đối với ổn định khu vực; tăng cường hợp tác quốc phòng; quản lý những căng thẳng chiến lược; quan điểm của các cường quốc về hòa bình và an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương; bảo đảm quản lý với sự thay đổi xung đột ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Mặc dù không phải là chủ đề chính của 5 phiên họp toàn thể, nhưng sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã trở thành mối quan tâm chung của nhiều đại biểu tham dự Đối thoại Shangri-La lần này. Với tư cách là khách mời, diễn giả chính phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không ngần ngại chỉ đích danh Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa trong những tranh chấp chủ quyền là hành động không thể biện hộ, là hành vi đáng lên án. Thủ tướng S.Abe tuyên bố, Nhật Bản luôn sẵn sàng hỗ trợ các nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Philippines về những nỗ lực nhằm bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không. Nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Thủ tướng S.Abe kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Chiều 1-6, diễn đàn Đối thoại Shangri - La lần thứ 13 đã bế mạc sau 3 ngày nhóm họp với 5 phiên thảo luận chung về các chủ đề liên quan đến an ninh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những chủ đề được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất chính là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định đây là những hành động gây căng thẳng trong khu vực.

Diễn ra vào thời điểm cả cộng đồng quốc tế đang lên án mạnh mẽ Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, bài phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, với chủ đề "Giải quyết các mối quan hệ căng thẳng mang tính chất chiến lược" được dư luận đánh giá cao. Dẫn thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển tới cộng đồng quốc tế tại diễn đàn này cách đây một năm về việc xây dựng "lòng tin chiến lược", Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, để kiểm soát các nguy cơ có thể dẫn đến xung đột, trước hết chúng ta cần có một nhận thức chung trong việc đề cao trách nhiệm quốc tế, mà đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cường quốc. Các nước cùng phải có trách nhiệm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định hợp tác cùng phát triển, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề tranh chấp, tăng cường các mặt hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau cùng có lợi, không phân biệt quốc gia lớn hay quốc gia nhỏ.

Nhận định quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc về tổng thể đang phát triển tốt đẹp, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi hai nước cũng có những va chạm gây căng thẳng, như việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông… Với chủ trương trên, Việt Nam rất kiềm chế, mong muốn thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay.

13 năm kể từ khi ra đời đến nay, Đối thoại Shangri-La luôn là diễn đàn chính để các bộ trưởng quốc phòng, quan chức quốc phòng và quân sự cấp cao các nước Châu Á - Thái Bình Dương thảo luận những vấn đề thời sự quan trọng nhất liên quan tới an ninh khu vực. Việc xây dựng hòa bình trên cơ sở lòng tin chiến lược trong bối cảnh khu vực đối mặt với nhiều thách thức an ninh như hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Song, lòng tin chỉ được xây dựng bằng những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực. Việc các nước lớn đóng vai trò trách nhiệm trong tạo dựng và củng cố lòng tin chiến lược - trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung là hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại hòa bình trên cơ sở lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.