Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ukraine: Giấc mơ châu Âu đang mắc kẹt

Vân Khanh| 31/10/2014 06:24

(HNM) - Sau những gian truân trên con đường


Và điều gây bất ngờ lớn nhất là sự kiện đảng "Mặt trận Nhân dân" của Thủ tướng Arsenyi Yatsenyuk đã vượt qua đối thủ nặng ký "Khối Poroshenko" của Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko để dẫn đầu cuộc đua không mấy hồi hộp nhưng cũng khá kịch tính.

Thủ tướng Arsenyi Yatsenyuk sẽ đứng ra lập liên minh cho Chính phủ mới sau khi đảng “Mặt trận Nhân dân” dẫn đầu trong bầu cử.


Với 98,4% số phiếu được kiểm, "Mặt trận Nhân dân" hiện có 22,17% phiếu ủng hộ trong khi "Khối Poroshenko" với 21,82% số phiếu và cả hai bỏ xa chính đảng giữ vị trí thứ ba "Samopomich" đang sở hữu 11% phiếu bầu của cử tri. Như vậy, thay vì sẽ là người "cầm trịch" để thành lập một liên minh chính trị như dự tính, Tổng thống P.Poroshenko sẽ phải nhường vị trí này cho Thủ tướng A.Yatsenyuk để chính đảng của ông trở thành một đối tác chiến lược trong liên minh "Ukraine của Châu Âu" do người đứng đầu chính phủ đương nhiệm chuẩn bị lập nên. Gần như đã cầm chắc phần thắng trong tay khi các kết quả thăm dò dư luận trước đó đều cho thấy "Khối Poroshenko" sẽ giành vị trí quán quân, việc bị đẩy xuống vị trí thứ hai ở một chừng mực nào đó là một "nốt trầm" đáng suy nghĩ đối với sự nghiệp đang thăng tiến của "ông vua sô cô la". So với 4 tháng trước, chính đảng của doanh nhân thành đạt này đã mất gần 30% ủng hộ. Cùng với tổn thất đó, sự bứt phá ngoạn mục trong chặng đua cuối của đảng "Mặt trận Nhân dân" không chỉ gửi đi "khuyến cáo" với Tổng thống P.Poroshenko trong cách thức lãnh đạo mà còn thể hiện rõ ràng ý nguyện của cử tri Ukraine. Dường như, người dân của quốc gia đang bị giằng xé trong bất ổn này ủng hộ việc chia sẻ quyền lực lớn hơn giữa quốc hội và tổng thống, chứ không phải giao toàn quyền quyết định cho nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước.

Mặc dù vậy, cuộc bầu cử vẫn không làm chệch hướng mục tiêu của Ukraine. Đó là thành lập cho được một quốc hội đồng hành với chính sách "hướng Tây" của chính phủ. Kết quả này cũng hoàn toàn đáp ứng nguyện vọng của phong trào Maidan, những người đã tạo nên cơn giông bão đường phố để chấm dứt những năm tháng cầm quyền của Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Với họ, cuộc bầu cử Quốc hội này có ý nghĩa biểu tượng để khép lại kỷ nguyên Xô Viết và đưa quốc gia bên bờ Biển Đen đến với giấc mơ Châu Âu. Thế nhưng, liệu Ukraine có thể hoàn toàn rũ bỏ quá khứ, xóa đi những trang sử đã không thể thay đổi và bắt đầu một cấu trúc chính trị mới trên nền tảng kinh tế, xã hội, chủng tộc… về cơ bản vẫn rất cũ? Những căng thẳng liên miên ở quốc gia Đông Âu thời gian qua đã cho thấy phần nào câu trả lời. Dù muốn cải cách đến đâu, Kiev cũng không thể thay đổi thực tế Ukraine nằm cạnh một cường quốc Nga rộng lớn đang muốn vươn lên vị thế siêu cường, một nhà cung cấp khí đốt và nhiên liệu chưa thể thay thế không chỉ cho Kiev mà còn cả Châu Âu và đặc biệt là sự tương đồng, cộng hưởng về dân cư, văn hóa, kinh tế, chính trị… với nước Nga. Vì vậy, Chính phủ mới của Ukraine nếu muốn giải quyết mớ bòng bong bất ổn ở miền Đông và gỡ thế mắc kẹt trong cuộc đối đầu nảy lửa giữa phương Tây và Nga thì chắc chắn không có lựa chọn nào khác ngoài việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mátxcơva. Khi các chính đảng thân phương Tây đang chuẩn bị đàm phán thành lập chính phủ mới thì tiếng súng lại vang lên ở miền Đông như lời cảnh báo cho những khó khăn mà Chính phủ mới ở Ukraine phải đối mặt. Quy chế cho miền Đông và giải pháp cho việc chấm dứt bạo lực tại vùng lãnh thổ chủ yếu của những người nói tiếng Nga vẫn là một ẩn số khó giải. Việc Mátxcơva công khai ủng hộ và công nhận kết quả cuộc bầu cử tại Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng dự kiến diễn ra vào ngày 2-11 bên cạnh tuyên bố hợp tác với Quốc hội mới của Ukraine đã tái khẳng định lập trường không khoan nhượng của Nga trong việc giữ lại những vùng ảnh hưởng truyền thống. Chưa thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ Điện Kremlin sẽ chuyển đổi quan điểm bất chấp đe dọa của Châu Âu về việc sẽ áp dụng gói trừng phạt mới nếu chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin "bật đèn xanh" cho việc hợp pháp hóa các cuộc bỏ phiếu tại miền Đông Ukraine. Nếu đúng như vậy thì mối bất hòa giữa phương Tây và Nga sẽ tiến thêm một bước giữa lúc những nỗ lực hòa dịu căng thẳng chưa đem lại kết quả.

Ukraine sẽ càng khó xử trong chính sách cũng như khó khăn để vãn hồi hòa bình, đưa đất nước khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng. Trái với dự báo của Kiev sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2015 sau khi giảm 6% ở năm 2014, Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Ukraine tiếp tục suy giảm. Sắp tới, nhằm cứu vãn nền kinh tế, Chính phủ của ông A.Yatsenyuk sẽ phải cắt giảm ngân sách và thả nổi đồng hryvnia vốn đã mất 40% giá trị so với đồng USD từ đầu. Song, con dao hai lưỡi "thắt lưng buộc bụng" đã khiến nhiều chính phủ ở Châu Âu phải ra đi. Vậy nên, nếu như nhiều bước đi của Ukraine trước đây chủ yếu để chứng tỏ thiện chí với Châu Âu thì nay chính sách của chính phủ mới sẽ phải làm hài lòng chính dân chúng Ukraine, những người vừa lựa chọn các thành viên nội các đại diện cho ước muốn bình yên và thịnh vượng của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ukraine: Giấc mơ châu Âu đang mắc kẹt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.