Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng đang ló rạng

Quỳnh Chi| 01/11/2014 06:09

(HNM) - Cuối cùng, Nga và Ukraine cũng đạt được thỏa thuận nối lại nguồn cung khí đốt sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng.

Theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Ukraine với "người trung gian" Liên minh Châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), Mátxcơva sẽ cấp khí đốt trở lại cho Kiev từ nay đến hết tháng 3-2015. Theo đó, Ukraine sẽ ngay lập tức trả khoản nợ 1,45 tỷ USD và khoản tiếp theo 1,65 tỷ USD sẽ thanh toán trước cuối năm nay. Hiện tại, có 3 nguồn bảo đảm về khả năng thanh toán của Kiev là từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), doanh thu của Tập đoàn Năng lượng Ukraine Naftogaz và các khoản EU cho vay trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ. Về phía Nga, Mátxcơva đồng ý giảm giá khí đốt bán cho Ukraine trong quý IV năm nay xuống 378 USD/1.000m3, còn đến quý I năm tới, giá sẽ được áp theo thị trường và được dự báo ở mức 365 USD/1.000m3.

Nga sẽ nối lại nguồn cung khí đốt cho Ukraine trong vài ngày tới.


Thỏa thuận vừa đạt được hứa hẹn mang lại lợi ích cho tất cả các bên khi tới đây lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine sẽ tăng, các nước như Czech, Romania, Bulgaria và Áo… sẽ không lo thiếu nhiên liệu để sưởi ấm trong mùa đông tới. Nga qua đó cũng sẽ thu được các khoản nợ cũ và với việc khai thông nguồn cung khí đốt, Mátxcơva sẽ được bảo đảm vị trí đối tác ngay tại Châu Âu cũng như được hưởng các chương trình hỗ trợ tài chính khác.

Quan trọng hơn, đây có thể là "tia hy vọng đầu tiên" cho nỗ lực tháo gỡ căng thẳng Nga - Ukraine và "hạ nhiệt" cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng Đông - Tây trong bối cảnh cả hai bên đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề từ các đòn trừng phạt trả đũa lẫn nhau về thương mại. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể làm giảm tới 1,5% GDP của nước Nga trong năm 2014. Tương tự, trả đũa của Mátxcơva cũng gây thiệt hại hàng chục tỷ USD cho phương Tây. Mới đây, Nghị viện Châu Âu (EP) tuyên bố có ít nhất 9,5 triệu chủ trại sản xuất nông nghiệp ở EU bị "vạ lây" do lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Nga. Với vị trí là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của EU, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nông sản của EU sang Nga đạt 11,3 tỷ euro. Lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ EU mà Nga áp đặt (đầu tháng 8 vừa qua) gây thiệt hại ít nhất 5,1 tỷ euro cho các nhà sản xuất nông nghiệp. Mức thiệt hại thậm chí có thể vượt quá 7 tỷ euro. Phần Lan và các quốc gia Baltic là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất vì ít nhất 75% lượng pho mát xuất khẩu của các nước này cung cấp sang Nga. Tiếp theo là Đức, Hà Lan và Ba Lan...

Vì thế, ngày càng có nhiều thành viên EU muốn xem xét lại đối sách với Nga.

Bộ trưởng Nông nghiệp Áo Andrae Rupperechter đã liên tục yêu cầu EU tổ chức phiên họp đặc biệt bàn về nông nghiệp, trước nguy cơ dư thừa sản lượng, phá giá nhiều mặt hàng nông sản và thị trường Nga sẽ bị nước khác chiếm lĩnh. Cách đây ít ngày, Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kever còn cảnh báo rằng Budapest sẽ rút khỏi EU. Nguyên nhân của động thái này được cho là xuất phát từ những bất đồng về chính sách trừng phạt của EU với Nga. Ngày 22-10, Báo Thời đại (Die Zeit) của Đức dẫn lời Ngoại trưởng nước này, ông Frank-Walter Steinmeier cho rằng, EU cần bắt đầu thảo luận về các vấn đề liên quan tới việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga. Tuyên bố mới nhất của ông W.Steinmeier được đánh giá là sự thay đổi về lập trường đối ngoại của Berlin với Mátxcơva bởi Chính phủ Đức đã nhiều lần bác bỏ việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Thậm chí cách đây ít lâu, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt là duy nhất để Berlin gây ảnh hưởng lên Mátxcơva liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và phải còn "rất lâu nữa" việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới được xem xét tới.

Rõ ràng, sự phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích nhiều mặt trong quan hệ Nga - EU là không thể phủ nhận và các "nỗ lực" trừng phạt - đáp trả không loại trừ sẽ đem lại kết quả không mong đợi. Nói một cách khác, trong thời đại toàn cầu hóa, phương Tây và Nga cần phải đi tới sự hiểu biết lẫn nhau như Tư lệnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Châu Âu, tướng Filip Bridlav từng khẳng định: "Không thể xây dựng Châu Âu tự do, thống nhất và hòa bình mà không có sự tham gia của Nga như một đối tác, đặc biệt là hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và nông nghiệp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng đang ló rạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.