Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến sự Syria: Cuộc chơi giữa Nga và Mỹ

Vân An| 22/10/2015 10:43

(HNMO) - Kể từ khi Nga bắt đầu các cuộc không kích Syria, diễn biến tại đất nước này ngày càng kịch tính. Chỉ trong vòng 2 ngày qua, thế giới đã chứng kiến ít nhất 3 sự kiện lớn liên quan đến Syria.

(HNMO) - Kể từ khi Nga bắt đầu các cuộc không kích Syria, diễn biến tại đất nước này ngày càng kịch tính. Chỉ trong vòng 2 ngày qua, thế giới đã chứng kiến ít nhất 3 sự kiện lớn liên quan đến Syria.

Trước tiên đó là việc Nga và Mỹ chính thức đạt được bản ghi nhớ chung bao gồm cả quy trình mà các phi công cần lưu ý nhằm tránh đụng độ ngoài ý muốn tại Syria ngày 20/10. Cùng ngày này, Canada tuyên bố sẽ ngừng chiến dịch không kích tại Syria. Tiếp đó, tối 20/10 theo giờ Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một chuyến thăm bất ngờ tới Moscow.

Những diễn biến mới nhất cho thấy, cuộc chiến tại Syria đã không thể hoàn toàn do Mỹ lèo lái. Sự gia tăng ảnh hưởng của Nga tại Syria rõ ràng đã tạo ra sự thay đổi về cục diện Syria một cách rõ ràng và nó cho thấy, Syria giờ sẽ là "sân chơi" của hai "ông lớn": Nga và Mỹ.

Thực tế, sự hiện diện của Nga đã buộc quân đội Mỹ phải thích ứng với một không gian chiến đấu đột nhiên phức tạp hơn nhiều. Patrick Skinner, giám đốc các dự án đặc biệt cho Tập đoàn tư vấn tình báo Soufan Group, cho biết đó là sự thay đổi cuộc chơi.

"Mọi thứ đang trở nên rõ nét và mọi người đang phải lựa chọn các bên theo cách mà họ chưa từng trải qua trước đây", ông nói.

Còn nhớ cách đây 3 tuần, Nga khiến cả thế giới ngạc nhiên khi tiến hành cuộc không kích đầu tiên của mình tại Syria. Chỉ từ ngày 30-9 đến nay, lực lượng không quân Nga đã tiến hành khoảng 750 cuộc không kích, tiêu diệt hàng trăm chiến binh, hàng chục trung tâm chỉ huy, kho vũ khí và các cơ sở khác của chiến binh khủng bố. Ngoài ra, Hạm đội Caspi của Nga đã phóng 26 tên lửa hành trình, tấn công trúng các đối tượng IS.

Tại cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin hôm qua, Tổng thống Syria Bashar Assad cho rằng, nếu không có hành động của Nga tại đất nước ông, thì chủ nghĩa khủng bố, vốn đã lan rộng trong khu vực, hẳn sẽ còn tràn sang hoành hành trên các vùng lãnh thổ lớn hơn nữa.

Nga đang tăng cường sự can thiệp của mình vào cuộc nội chiến tại Syria. Tổng thống Syria Assad vừa có chuyến thăm bất ngời tới Moscow.



Phản ứng trước sự can thiệp sâu của Nga tại Syria, phía Mỹ liên tục đưa ra nhận xét rằng, các cuộc tấn công của Nga tại Syria là "liều lĩnh và bừa bãi", nhiều cuộc không kích đã nhắm vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, thay vì các mục tiêu IS.

Để cân bằng thế trận, tuần trước, Mỹ đã gửi 50 tấn đạn dược cho các nhóm nổi dậy tìm cách lật đổ ông Assad. Tính đến đầu tháng 10, liên minh của Mỹ đã tiến hành hơn 7.000 cuộc tấn công, gần 2/3 trong số này là ở Iraq, trong đó riêng quân đội Mỹ đã thực hiện gần 80% tổng số cuộc tấn công.

Một số nhà quan sát, trong đó có Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, đã mô tả sự leo thang đang diễn ra tại Syria như một "cuộc chiến tranh đại diện" giữa Nga và Mỹ.

Tuần trước, tờ báo hàng đầu của Trung Quốc - Nhân dân nhật báo - cũng đã cáo buộc cả Mỹ và Nga đang tái diễn sự đối đầu như thời kỳ Chiến tranh Lạnh bằng cách tham gia vào các hành động quân sự ở Syria. Hai nước dường như đang sử dụng Syria như một mặt trận cho cạnh tranh ngoại giao và quân sự.

Nga có lý do để kết thân với đồng minh Syria. Cảng hải quân đáng tin cậy duy nhất của nước này trên biển Địa Trung Hải đặt tại đây - Tartus. Chế độ Syria cũng đã mua vũ khí của Nga với trị giá hàng tỷ USD.

Trong khi đó, Mỹ đang bị lên án vì đã hành động quá ít tại Syria và hiện đang phải nỗ lực để giúp quân nổi dậy đối mặt với kẻ thù khác: IS. Một số nhà quan sát thậm chí còn cho rằng, Mỹ cần phải nhanh chóng suy nghĩ lại, thay đổi chiến thuật khi sứ mệnh của liên quân do Mỹ đứng đầu hoạt động trên phạm vi quá hẹp ở Syria - chỉ dừng ở thực hiện các đợt không kích.

Ông John McCain, người từ lâu đã luôn phê bình cách xử trí của ông Obama về cuộc nội chiến tại Syria gần đây đã đề nghị Mỹ tăng cường sự tham gia, thiết lập các khu an toàn cho người Syria và ôn hòa các đối thủ của ông Assad, thậm chí điều thêm quân tới Syria.

Cuộc chiến Syria dã làm hơn 250.000 người chết và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa



Mỹ đã triển khai một chương trình trị giá 500 triệu USD nhằm đào tạo và trang bị cho quân nổi dậy Syria - nhưng hiệu quả mang về không nhiều. Hơn 3 tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố sẽ dừng chương trình đào tạo này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter thừa nhận, hè vừa qua, Mỹ chỉ đào tạo được khoảng 60 tay súng nổi dậy. 

Brad Stapleton, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Cato nhận xét, thực tế là ngay cả với sự hỗ trợ vũ khí từ Mỹ, các lực lượng nổi dậy cũng không có khả năng thắng được các lực lượng chế độ được Nga hậu thuẫn. 

"Cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, sự cung cấp vũ khí của Nga và Mỹ sẽ chỉ thêm dầu cho ngọn lửa xung đột, gây ra nhiều cái chết và sự hủy diệt hơn", ông nói.

Cho đến nay, Tổng thống Barack Obama vẫn giữ quan điểm khá thận trọng về Syria. Ông Obama lo ngại Mỹ lại rơi vào một vũng lầy Trung Đông khác sau Iraq. 

Tổng thống Mỹ Obama cho đến nay vẫn giữ quan điểm khá thận trọng về Syria



Ngoài ra, một phần lý do cho sự miễn cưỡng của Washington ở Syria, theo ông Joshua Landis, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, là Mỹ không có sự thay thế đáng tin cậy nào cho ông Assad - hay IS. Chính vì vậy, cho đến nay, chính quyền Obama vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nào về sự thay đổi chính thức trong chính sách, dẫu rằng ông Obama khẳng định, ông sẽ không để Syria trở thành một "cuộc chiến tranh đại diện" với Nga.

"Vấn đề là Mỹ không có đối tác" ông Joshua Landis nói.

Và như vậy, cuộc chiến Syria vẫn sẽ diễn biến đầy bất ổn, giằng co khi cả liên minh Mỹ lẫn các phi công Nga đều đang hoạt động trong cùng một không gian nhưng không nhất thiết lúc nào cũng chung một mục tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến sự Syria: Cuộc chơi giữa Nga và Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.