Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Ả-rập Xê-út, Nga chưa tháo ngòi “cơn đại hồng thủy” thị trường dầu mỏ?

Vân An| 15/02/2016 16:04

(HNMO) - Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu thô đã tăng 12% ở New York, mức tăng lớn nhất trong ngày kể từ năm 2009 và phục hồi mạnh từ mức đáy thấp nhất của 12 năm.


Tín hiệu vui trên khiến các nhà đầu tư có cảm giác rằng, OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác có thể đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng nhằm thúc đẩy giá dầu tăng trở lại.

Tuy nhiên, để những gã khổng lồ trong thị trường dầu mỏ nhất trí với một thỏa thuận giảm cung, không chỉ phủ thuộc vào một mình OPEC mà còn các đối thủ khác của tổ chức này nữa. Khi tất cả các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về lợi ích, niềm tin về việc giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn sẽ còn tồn tại.

Sự thăng hoa của thị trường dầu mỏ cuối tuần trước có phần nhờ phát biểu của Bộ trưởng năng lượng Các tiểu vương quốc Ả Rập (UEA) Suhail Mohammed Al Mazrouei. Trong chuyến thăm tới Ấn Độ, ông Mazrouei đã phát biểu trên một đài truyền hình tiếng Ả Rập rằng, OPEC sẵn lòng hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC để cắt giảm nguồn cung. Điều đó đã thúc đẩy các hợp đồng mua vào trên thị trường trong tuần trước.

Nhưng đến cuối ngày 12/2, vị bộ trưởng trên khi trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN đã nói rõ rằng, UAE luôn cởi mở và hỗ trợ bất kỳ sự hợp tác nào từ các nước OPEC và phi OPEC để có thể bình ổn thị trường.

"Chúng tôi tin rằng, các điều kiện thị trường hiện tại sẽ khiến tất cả các nhà sản xuất duy trì mức sản xuất và không tăng thêm”, ông nói.

Nói cách khác, chính sách của OPEC là đang nỗ lực để ép buộc các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ ra khỏi thị trường, kết hợp với nhu cầu gia tăng, từ đó có thể đẩy giá dầu lên cao hơn.

Như vậy, có vẻ là quá sớm nếu các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc tăng giá dầu trong ngắn hạn. Bởi các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành.

Tổng thống Nga Putin trò chuyện với quan chức cấp cao Xê-út trong một lần gặp mặt



Để tất cả các nước sản xuất dầu mỏ đi đến được một thỏa thuận cuối cùng chắc chắn là nhiệm vụ không đơn giản, nhất là khi các "ông lớn" như Nga và Xê-út đang tàn khốc tranh giành nhau thị phần.

Trong bối cảnh Nga đang cố gắng khôi phục lại vị trí một nước có ảnh hưởng lớn ở Trung Đông, Ả-rập Xê-út không có lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc bắt tay vào cuộc chiến với Nga ở mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, chính là dầu thô.

Năm ngoái, Ả Rập Xê-út đã bán dầu thô giảm giá cho Ba Lan, nước trước nay vẫn là nhà nhập khẩu dầu lớn của Nga, đồng thời tìm cách gia tăng thị phần dầu mỏ tại châu Âu sau khi đã để thị trươờng béo bở này rơi vào sự "thao túng" của Nga kể từ những năm 1970.

Cùng lúc đó, hai nước lại chạy đua nhau khốc liệt ở thị trường châu Á khi những năm qua, Nga thúc đẩy một loạt dự án dầu mỏ và năng lượng với các nước có tiềm năng tại châu lục này, đặc biệt là Trung Quốc. Ả Rập Xê-út  đồng thời cũng bắt tay vào cuộc chiến khốc liệt về giá và tranh giành thị phần với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ và tất cả các đối thủ khác không phải thành viên OPEC để có thể giữ vững được vai trò cầm trịch của mình trên thị trường.

Cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Năng lượng Nga, ông Alexander Novak cho biết, Nga đã nhận được đề nghị về việc mỗi quốc gia dầu mỏ cắt giảm 5% sản lượng, nhưng còn "quá sớm để nói về việc này”.

Theo nhận xét của ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành Rosneft, công ty dầu khí lớn nhất nước Nga, việc sản xuất thừa cầu của OPEC đã khiến giá dầu rơi gần 50% kể từ tháng 6/2015.

Thống kê cho thấy, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tổ chức gồm 13 thành viên, đã sản xuất kỷ lục 32,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 1 vừa qua, so với mức kỷ lục dưới 11 triệu thùng mỗi ngày của Nga.

Góp thêm nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới rơi vào vòng xoáy phải kể đến Iraq. Nước này cũng đẩy mạnh sản xuất trong bối cảnh Iran muốn đưa thêm 700.000 thùng dầu mỗi ngày ra thị trường vào thời điểm này năm tới.

Đó là những lý do khiến IEA mới đây cho biết, nguồn cung dầu mỏ có thể vượt cầu tới 1,75 triệu thùng mỗi ngày trong nửa đầu năm nay. Và điều này buộc các nhà sản xuất lớn nhất thế giới phải tìm ra được một giải pháp kịp thời.  Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng, Ả Rập Xê-út sẽ chỉ hành động cho đến khi nhận được cam kết chắc chắn từ những nước khác về việc cắt giảm sản lượng.

Thêm vào đó, một nguyên nhân khác khiến IEA lo ngại hơn cả sự tuột dốc không phanh của giá dầu chính là viễn cảnh của một cú sốc toàn cầu, khi Ả Rập Xê-út loại bỏ các đối thủ ra khỏi cuộc chơi và thị trường bật mạnh trở lại.

Fereidun Fesharaki, Chủ tịch công ty tư vấn năng lượng toàn cầu FACTS cho biết, Ả Rập Xê-út giống như người cảnh sát trong một vụ ách tắc giao thông, khi không ai lắng nghe và giao thông thì lộn xộn. Nhưng nước này chỉ sẵn sàng làm vai trò của mình khi mọi người đã sẵn sàng lắng nghe. Theo ông, điều này khó có thể xảy ra trước năm 2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Ả-rập Xê-út, Nga chưa tháo ngòi “cơn đại hồng thủy” thị trường dầu mỏ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.