Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga - Mỹ trong thế hổ đấu ở Syria

Bình Minh| 12/10/2016 10:14

(HNMO) – Giảm đối thoại, tăng đối đầu, xung đột trong hàng loạt vấn đề ở Syria, Nga và Mỹ dường như đang tiến gần hơn tới nguy cơ chiến tranh lạnh và đẩy cuộc chiến tại Syria lâm vào bế tắc trầm trọng.

Ăn miếng trả miếng

Ngày 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đình chỉ một thỏa thuận xử lý vũ khí cấp độ plutonium đã ký với Mỹ vì hành vi "không thân thiện" của Washington. Trang tin Reuters dẫn lời một phát ngôn viên điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh đình chỉ thỏa thuận năm 2010, theo đó mỗi bên cam kết tiêu hủy hàng tấn nguyên liệu cấp độ vũ khí vì Washington đã không thực hiện thỏa thuận này cũng như vì những căng thẳng hiện nay trong quan hệ hai nước. Thỏa thuận này đã manh nha từ năm 2010, có chữ ký của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton, kêu gọi mỗi bên xử lý 34 tấn plutonium bằng cách đốt trong các lò phản ứng hạt nhân. Vào thời điểm đó, lượng vật liệu này đủ để làm gần 17.000 vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sau một loạt những bất đồng giữa 2 cường quốc, Nga đã đình chỉ thỏa thuận này.

Ngay sau khi Nga tuyên bố đình chỉ, Mỹ đã ngay lập tức “đáp trả” quyết liệt bằng việc ngừng các cuộc đàm phán với Nga về Syria, đồng thời cáo buộc Moscow không thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận ngừng bắn. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định: "Mỹ sẽ ngừng tham gia vào các kênh song phương với Nga vốn được thành lập nhằm chấm dứt chiến sự”. Washington tố cáo quân đội Nga và Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, trường học và ngăn chặn viện trợ nhân đạo đến tay những người dân có nhu cầu. Căng thẳng ngày càng leo thang khi Nga và Mỹ đã dự kiến nhóm họp tại Geneva để cố gắng phối hợp các cuộc không kích chống lại các nhóm thánh chiến, nhưng các quan chức Mỹ đã được yêu cầu quay trở về nước.

Gia tăng áp lực quân sự

Mỹ đã không ít lần nói bóng gió về một “Kế hoạch B” trong trường hợp tiến trình hòa bình Syria lâm vào bế tắc. Theo một số nguồn tin tình báo, Washington khẳng định với các đồng minh rằng “Kế hoạch B” sẽ được triển khai ngay lập tức nếu lệnh ngừng bắn tại Syria đổ vỡ và chiến sự tái bùng phát. Khi đó, Mỹ sẽ cung cấp vũ khí hạng nặng hơn cho phe đối lập ôn hòa ở Syria, bao gồm những hệ thống vũ khí để tấn công chiến đấu cơ và các vị trí chiến lược nhằm chống lại quân đội trung thành với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, các quan chức Nga tuyên bố không bao giờ chấp nhận bất cứ một “Kế hoạch B” nào về Syria, bày tỏ sự quan ngại về quan điểm của Mỹ và kêu gọi Washington tập trung mọi nỗ lực nhằm thực hiện lệnh ngừng bắn mà các bên đã đạt được.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Ngày 5/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov xác nhận rằng một tổ hợp tên lửa phòng không S-300 đã được chuyển tới Syria để bảo vệ căn cứ hải quân và các tàu chiến của Nga đang hoạt động trong khu vực, đánh dấu lần đầu tiên Nga đưa hệ thống này ra ngoài lãnh thổ.

Theo nhận định của hãng tin BBC, việc Nga điều một tổ hợp phòng không hiện đại bậc nhất thế giới đến Syria là một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, là lời cảnh báo đanh thép rằng Washington sẽ phải trả giá nếu có ý định can thiệp chống lại các hoạt động của Syria hay Nga. Bởi lẽ, hiện nay tại Syria chỉ có các chiến đấu cơ của các cường quốc trong liên quân chống IS đang hoạt động.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga còn triển khai thêm một loạt tiêm kích Su-24, Su-25 và Su-34 đến căn cứ không quân Khmeimim, Syria. Thượng nghị sĩ và Phó chủ tịch thứ nhất Uỷ ban an ninh và quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga Franz Klintsevich còn để ngỏ khả năng tăng cường hỗ trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang Syria.

Có hay không nguy cơ đối đầu trực tiếp?

Ông James Stavridis, chuyên gia về ngoại giao, Đại học Tufts nhận định: “Mối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh. Họ chưa chính thức bước vào chiến tranh lạnh nhưng đang tiến gần hơn tới ngưỡng đó”.

Căng thẳng không ngừng leo thang, xung đột trong nhiều vấn đề và không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria đã khiến một số người lo ngại về kịch bản Nga – Mỹ có thể đối đầu trực tiếp. Tuy nhiên, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang thuộc Thượng viện Nga khẳng định rằng đối đầu trực diện với Mỹ không nằm trong chủ trương ngoại giao của Liên bang Nga: “Một cuộc chiến trực diện giữa Nga và Mỹ là kịch bản tồi tệ nhất cần phải tránh bằng mọi giá. Trong kế hoạch của Nga, khả năng xung đột với Mỹ là hoàn toàn không được tính đến".

Về phía Mỹ, giới quan sát cho rằng, khi chỉ còn vài tháng nữa là Tổng thống Barack Obama hết nhiệm kỳ, Washington sẽ chưa vội sa lầy vào một cuộc chiến toàn diện nào, nhất là với một đối thủ đáng gờm như Nga. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo, mối quan hệ Nga – Mỹ đang dẫn tới một tình thế thậm chí còn nguy hiểm hơn thời chiến tranh lạnh, nhưng trong một thế giới vốn đầy rẫy xung đột, hai cường quốc với tầm ảnh hưởng rộng lớn là Nga và Mỹ hơn ai hết cần phải biết tôn trọng ranh giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga - Mỹ trong thế hổ đấu ở Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.