Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng tiếp diễn

Quang Huy| 11/12/2016 06:22

(HNM) - Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye do liên quan đến bê bối tham nhũng của người bạn thân Choi Soon-sil.

Kiến nghị do phe đối lập đưa ra đã được thông qua trong phiên họp ngày 9-12 với 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 7 phiếu không hợp lệ và 2 phiếu trắng. Tỷ lệ này vượt qua con số 200 phiếu cần thiết để Quốc hội thông qua việc luận tội nhà lãnh đạo đất nước. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, bà Park Geun-hye đã lập tức bị đình chỉ chức vụ Tổng thống và Thủ tướng Hwang Kyo-ahn tạm thời đảm nhiệm vị trí này.


Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn sau bê bối chính trị ở Hàn Quốc.


Phát biểu trước truyền hình ngay sau khi bị đình chỉ chức vụ, bà Park Geun-hye tiếp tục xin lỗi người dân và khẳng định, bà "rất coi trọng" tiếng nói của dân chúng cũng như của Quốc hội và hy vọng rằng, những hiểu lầm từ vụ bê bối chính trị liên quan tới bà sẽ sớm được giải quyết. Chỉ vài giờ sau khi trở thành quyền Tổng thống Hàn Quốc, ông Hwang Kyo-ahn cũng đã có bài phát biểu nhằm trấn an người dân và cam kết sẽ nỗ lực để điều hành các công việc nhà nước một cách ổn định.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của quyền Tổng thống không dễ dàng khi vụ bê bối đã để lại những hậu quả nặng nề với sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ các đảng phái tại Hàn Quốc. Tình hình còn phức tạp hơn khi những người bất mãn với chính phủ và các chính trị gia đối lập liên tục kêu gọi Tổng thống Park Geun-hye phải từ chức ngay lập tức.

Tuy nhiên, việc nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc có mất chức hay không còn phải chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Hiến pháp và quá trình phán quyết có thể kéo dài đến 180 ngày. Ông Kim Hyung-joon, Giáo sư chính trị tại Đại học Myongji nhận định, sau khi quyết định luận tội Tổng thống được Quốc hội thông qua, đảng cầm quyền vốn đã chia rẽ lại càng thêm chia rẽ. Trong khi đó, các đảng đối lập lại bị kẹt trong các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ để trở thành ứng viên của đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm tới.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, bên cạnh việc đấu đá nội bộ của mỗi đảng, tranh cãi giữa các đảng phái về số phận của Tổng thống Park Geun-hye sẽ tiếp tục xoáy sâu thêm những chia rẽ chính trị tại xứ sở Kim chi. Đảng Dân chủ - đảng đối lập chính tại Hàn Quốc - trước đó đã tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Tổng thống Park Geun-hye phải từ chức ngay cả sau khi Quốc hội đã thông qua đề xuất luận tội bà.

Trong khi đó, đảng cầm quyền Saenuri thì cho rằng, việc bỏ qua quá trình xét xử và buộc Tổng thống phải từ chức là hành động “chống lại Hiến pháp”. Trong trường hợp một cuộc bầu cử sớm diễn ra, sẽ có một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các đảng phái nhằm đưa đại diện của mình ngồi vào chiếc ghế nhà lãnh đạo xứ Kim chi.

Nền kinh tế Hàn Quốc lúc này cũng không có dấu hiệu khả quan, thậm chí còn có nguy cơ cuốn theo vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng chính trị. Theo báo cáo đánh giá kinh tế hằng tháng của Bộ Tài chính Hàn Quốc, sản lượng chế tạo công nghiệp trong tháng 10-2016 của nước này đã giảm 1,7% so với tháng trước đó, trong khi ngành dịch vụ giảm 0,2%. Đầu tư vào các cơ sở sản xuất và công trình xây dựng cũng giảm lần lượt 0,4% và 0,8% trong khi doanh số của các trung tâm thương mại giảm 1,6%.

Hiện 9 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc, động lực phát triển của quốc gia này, cũng không nằm ngoài những bê bối chính trị. Trong số các lãnh đạo doanh nghiệp phải điều trần trước Ủy ban Điều tra đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc có người đứng đầu các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, LG, Lotte, Hanjin… Bộ Tài chính Hàn Quốc nhận định, tình hình chính trị hiện nay ở nước này nhiều khả năng sẽ tạo ra sức cản lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á trong thời gian tới.

Một số ý kiến còn lo ngại rằng những dư chấn của cuộc khủng hoảng tại Nhà Xanh có thể sẽ đe dọa tình hình an ninh. Ngay sau khi Quốc hội thông qua quá trình luận tội, Tổng thống Park Geun-hye đã kêu gọi chính phủ tiếp tục lưu tâm tới các vấn đề kinh tế và an ninh quốc gia. Trước mối lo ngại này, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo đã ra lệnh nâng cao sự sẵn sàng quân sự để đối phó với mọi diễn biến có thể xảy ra.

Như vậy, việc bà Park Geun-hye có thể trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất chưa hẳn sẽ có thể kết thúc những bất ổn trên chính trường nước này mà ngược lại còn có nguy cơ khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng tiếp diễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.