Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Italia: Nhiều bất ổn nối tiếp

Thùy Dương| 28/02/2017 06:53

(HNM) - Những rắc rối chính trị ở Italia vẫn chưa có hồi kết khi đảng Dân chủ (PD) cầm quyền đang rơi vào khủng hoảng do mâu thuẫn nội bộ.

Sự bất đồng với cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã khiến một số thành viên cánh tả của PD ly khai khỏi chính đảng này để thành lập một đảng mới với tên gọi là đảng Dân chủ và Tiến bộ (DP). DP được đứng đầu bởi cựu lãnh đạo phe Dân chủ trong Quốc hội Roberto Speranza và Chủ tịch vùng Tuscany Enrico Rossi.

Sự bất ổn trên chính trường tạo sức ép lớn tác động đến triển vọng kinh tế của Italia.


Kể từ tháng 6-2014, thời điểm đảng PD do ông M.Renzi lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, mâu thuẫn trong nội bộ PD đã phát sinh liên quan đến chương trình cải cách lao động và nhiều vấn đề chính trị khác của đất nước. Đến khi cựu Thủ tướng M.Renzi từ chức hồi tháng 12-2016 vì thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp, đảng PD cầm quyền đã trải qua những tranh cãi gay gắt trong nội bộ, đồng thời triển vọng thực hiện các cải cách kinh tế cũng trở nên mờ nhạt. Mới đây, cựu thủ tướng này tuyên bố sẽ tranh cử để giành lại cương vị Tổng Thư ký đảng. Phát biểu trong cuộc họp đảng tại Rome, ông M.Renzi cũng cảnh báo về nguy cơ tan rã của PD, nhấn mạnh sự mất đoàn kết trong đảng này sẽ là cơ hội để các đảng đối lập, đặc biệt là Phong trào 5 sao theo đường lối dân túy, chiếm ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Theo kết quả thăm dò gần đây, tỷ lệ ủng hộ đảng PD cầm quyền và đảng Phong trào 5 sao là ngang nhau.

Trên thực tế, kể từ tháng 2-2008 tới nay, Italia đã trải qua 4 đời thủ tướng. Kinh tế nước này cũng đang trong giai đoạn phục hồi mong manh từ giữa năm 2015 sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái nặng nề và kéo dài nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, vốn bắt đầu từ quý II-2011 với nợ công chiếm 133% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ở thời điểm hiện nay, Italia vẫn đang ở ngưỡng cửa một cuộc khủng hoảng mới. Trong lĩnh vực kinh tế, việc đa số cử tri phản đối kế hoạch cải cách hiến pháp đã tác động tức thời đến thị trường tài chính. Tỷ giá đồng euro đã giảm tới 1,4% so với đồng USD và niềm tin của các nhà đầu tư bị lung lay. Do Italia là nền kinh tế lớn thứ ba ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nên điều này sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu lục.

Tương lai kinh tế ảm đạm cộng với bất ổn chính trị gia tăng sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Italia được nâng lên. Gánh nặng nợ công cũng vì thế đang gia tăng, trở thành mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Italia đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ lên đến 360 tỷ euro và đang rất cần tái cấp vốn, khiến chính phủ có thể phải ra tay giải cứu. Tình trạng bất ổn chính trường tại đất nước hình chiếc ủng đã khiến giới tài chính cực kỳ lo ngại. Độ chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giữa Italia và Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2-2014.

Có thể nói, mọi sự bất ổn trên chính trường Italia đều sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế nước này. Sự đình trệ sẽ khiến công cuộc cải cách kinh tế của một trụ cột quan trọng của Eurozone phát triển chậm lại, ít nhất cho đến năm 2018. Kinh tế tăng trưởng chậm, thất nghiệp ở mức cao và sự hoài nghi của người dân đối với các thể chế truyền thống ở Italia có thể dẫn đến sự trỗi dậy của các phong trào phản đối cũng như chủ nghĩa dân túy. Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, sự kiện đảng DP mới thành lập có thể làm hỏng các cơ hội của đảng PD cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử kế tiếp, dự kiến diễn ra vào tháng 2-2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Italia: Nhiều bất ổn nối tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.