Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình khó khăn

Thùy Dương| 15/03/2017 06:27

(HNM) - Nước Anh đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình rời Liên minh Châu Âu (EU) khi rạng sáng 14-3 (giờ Việt Nam), dự luật rút khỏi EU hay còn gọi là dự luật Brexit đã được lưỡng viện Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua.

Để trở thành luật, văn bản này sẽ sớm được Nữ hoàng Anh phê chuẩn và đến khi đó, Thủ tướng T.May có thể kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon bất cứ khi nào để chính thức khởi động tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi "mái nhà chung".


Hành trình Anh rời khỏi EU được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức.


Nhà lãnh đạo xứ sở Sương mù kỳ vọng hai bên sẽ nhất trí đạt được một thỏa thuận mới, dự kiến kéo dài trong hai năm. Song nhiều ý kiến cho rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất các thỏa thuận thương mại tự do. Thực tế, kể cả khi chưa bắt đầu đàm phán chính thức với EU thì ngay trong nội bộ nước Anh, quá trình thông qua dự luật Brexit đã gặp nhiều khó khăn. Trước đó, vào ngày 1-2 vừa qua, văn bản này đã vượt qua được "cửa ải" đầu tiên tại Hạ viện. Nhưng khi càng gần tới đích thì mọi chuyện lại càng trở nên phức tạp. Ngày càng xuất hiện nhiều luồng dư luận ngược chiều trong nước Anh. Mới đây nhất là việc cựu Thủ tướng Anh John Major đã chỉ trích dự luật Brexit là “quá lạc quan và thiếu tính thực tế” trong khi một số nghị sĩ khác muốn sửa đổi văn kiện này để bảo đảm quyền lợi cho hơn 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh.

Kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi tháng 6-2016, Chính phủ Anh đã từ chối cung cấp bất cứ sự bảo đảm chính thức nào cho hàng triệu công dân EU tại nước này, nhấn mạnh rằng điều đó có thể gây tổn hại đến những nỗ lực bảo đảm các quyền của khoảng 1,2 triệu người Anh đang sinh sống tại các nước EU khác. Thế nên, theo quan điểm của Chính phủ Anh, London sẽ đợi để các nước trong EU cũng phải có điều khoản tương tự đối với các công dân Anh đang sống tại EU chứ không muốn đơn phương đưa ra lời đảm bảo với công dân EU tại Anh, như Thượng viện vừa yêu cầu bổ sung. Bên cạnh đó, nếu sửa đổi, văn kiện này sẽ phải quay trở lại để Hạ viện xem xét thông qua một lần nữa. Đây là điều mà bà T.May không hề muốn bởi thời hạn để kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon (vào cuối tháng 3) không còn dài. Trong khi đó, EU cũng không thể chờ đợi việc thông qua dự luật Brexit của Anh diễn ra lâu hơn, bởi liên minh này cũng có những kế hoạch riêng nhằm ứng phó với thực tế Anh không còn là thành viên của khối.

Ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, Chính phủ Anh đã rất nỗ lực thuyết phục các nghị sĩ không đề nghị thay đổi dự luật Brexit. Thế nhưng, ngay trong cuộc bỏ phiếu lần thứ nhất vào ngày 1-3, với tỷ lệ phiếu 256/358, Thượng viện Anh đã thông qua yêu cầu buộc Chính phủ Anh phải sửa đổi dự luật Brexit theo hướng phải đưa vào trong văn kiện điều khoản đảm bảo duy trì quyền lợi cho các công dân EU đang sinh sống tại Anh sau Brexit. Điều đó có nghĩa là dự luật Brexit đã phải đệ trình lên Hạ viện thêm một lần nữa. Cũng chính vì vậy mà trình tự thông qua văn bản này bị chậm lại và đến ngày 14-3 mới được Quốc hội Anh chính thức đồng thuận.

Trong bối cảnh London đang gấp rút chuẩn bị cho Brexit thì Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Vương quốc Anh trong khoảng cuối năm 2018, đầu 2019, trước khi Anh có thể rời EU. Tuy nhiên, Thủ tướng T. May tuyên bố sẽ bác bỏ đề nghị này và khẳng định việc Scotland tổ chức trưng cầu ý dân về nền độc lập vào thời điểm Anh tiến hành đàm phán Brexit là điều "không thể chấp nhận" vì như thế sẽ làm suy yếu vị thế của Anh trong quá trình đàm phán với các nước EU khác.

Rõ ràng, sự chia rẽ trong nội bộ chính trường Anh cũng đang cho thấy phần nào tâm trạng hoang mang trong xã hội Anh. Dường như những người ủng hộ Brexit đến nay vẫn chưa thật sự thuyết phục được phần còn lại rằng đây là một quyết định đúng đắn và cần phải thực hiện bằng mọi giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hành trình khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.