Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực thực hiện cải cách

Quỳnh Dương| 04/04/2017 06:17

(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã chiếm được ưu thế lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung và Nghị viện các bang của Myanmar.

Đảng NLD cầm quyền vẫn được phần lớn cử tri Myanmar tín nhiệm.


Theo công bố của Ủy ban Bầu cử liên bang (UEC) của Myanmar ngày 2-4, đảng NLD cầm quyền đã giành được 9 trong tổng số 19 ghế được bầu bổ sung gồm 5 ghế Hạ viện, 3 ghế Thượng viện và 1 ghế Nghị viện bang Shan. Trong khi đó, đảng Liên đoàn dân tộc Shan vì Dân chủ (SNLD) do ông Khun Htun Oo lãnh đạo chỉ giành được 2 ghế Hạ viện và 4 ghế Nghị viện bang Shan. Đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển (USDP) do ông U Than Htay đứng đầu giành được 2 ghế, bao gồm 1 ghế Hạ viện và 1 ghế Nghị viện bang. Đảng Dân chủ các dân tộc và đảng Dân tộc Arakan (ANP) chia nhau 1 ghế Nghị viện bang Kayah và 1 ghế Nghị viện bang Rakhine.

Việc NLD có được gần một nửa số phiếu bầu bổ sung cho thấy, mức độ tín nhiệm của người dân dành cho chính đảng này vẫn ở mức cao. Rõ ràng, các cử tri đang đặt niềm tin vào tân chính phủ sau 1 năm tiến hành cuộc bầu cử tự do. Trên thực tế, dưới sự điều hành của NLD, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều tín hiệu tích cực cả về kinh tế và xã hội đều được ghi nhận.

Trong báo cáo được công bố gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng trung bình 7,1% trong 3 năm tới trong bối cảnh lạm phát giảm, đầu tư vào hạ tầng và các lĩnh vực gồm sản xuất điện, những ngành liên quan đến dịch vụ khách hàng gia tăng. WB cho rằng, chính phủ mới đã có những thành công trong việc chèo lái nền kinh tế khó khăn trong suốt 6 tháng đầu lên nắm quyền. Theo đánh giá của ông Abdoulaye Seck, Giám đốc quốc gia WB tại Myanmar: “Các chính sách duy trì tăng trưởng toàn diện và ổn định có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội cho người dân có thêm thu nhập, công việc tốt hơn tại Myanmar. Những chính sách này còn góp phần giảm tình trạng lạm phát cao vốn gây khó cho người dân, nhất là người nghèo”.

Tuy nhiên, dù đã đạt được những tiến bộ nhất định về kinh tế - xã hội, song mức sống của phần lớn người dân quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa được cải thiện. Nền kinh tế thành viên ASEAN này vẫn là một trong những nước nghèo nhất Châu Á, với gần 1/3 dân số sống trong cảnh nghèo đói. Nhiều nhà phân tích khuyến cáo, Chính phủ Myanmar sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức như nâng cao chất lượng y tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm tình trạng quan liêu, chống tham nhũng và cải thiện nền giáo dục, thu hút đầu tư, xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ về đầu tư, khai mỏ, quyền sở hữu trí tuệ… Đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tại Myanmar cũng có dấu hiệu chậm lại, trong khi khả năng tài chính của Chính phủ trong tình trạng khá eo hẹp. Các nhà kinh tế nhận định, Myanmar vẫn thiếu một chiến lược cụ thể về phát triển đất nước. Một trong số những lỗ hổng lớn nhất của hệ thống điều hành kinh tế Myanmar là ngành Thuế rất lạc hậu, hệ thống tài chính chưa được cải tổ và đặc biệt là thiếu các bộ luật và quy định về kinh doanh.

Bên cạnh đó, sự căng thẳng về chủng tộc, tôn giáo ở quốc gia mà các sắc tộc thiểu số chiếm khoảng 1/3 số dân cũng được cho là một rào cản đối với sự phát triển kinh tế. Chính quyền của đảng NLD đã tiến hành nhiều hoạt động hòa giải, trong đó phải kể đến Hội nghị Panglong thế kỷ XXI, diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái khi quy tụ tất cả các bên, từ quân đội, các nhóm vũ trang thiểu số đến các đảng phái chính trị... Song, vẫn còn nhiều việc phải làm để hướng tới một sự ổn định bền vững.

Và rõ ràng, sự tín nhiệm của cử tri thông qua các lá phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung và Nghị viện các bang vừa qua sẽ là động lực lớn giúp NLD vững vàng tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách nhằm đưa đất nước Myanmar vốn giàu tiềm năng thực sự được “cất cánh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực thực hiện cải cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.