Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc bầu cử khó đoán định

Nguyễn Thúc| 23/04/2017 06:17

(HNM) - Hôm nay (23-4), khoảng 45 triệu cử tri Pháp sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu lựa chọn nhà lãnh đạo đất nước.

Đây được xem là một trong những sự kiện chính trị quốc tế đáng chú ý nhất trong năm 2017 và một trong những cuộc bầu cử khó đoán định nhất. Với đất nước hình lục lăng, cuộc bầu cử tổng thống năm nay không đơn thuần là câu chuyện 5 năm lặp lại một lần. Trong bối cảnh kinh tế trì trệ và an ninh bị đe dọa bởi nguy cơ khủng bố, nước Pháp đang kỳ vọng một gương mặt mới có thể vực dậy nền kinh tế và giải quyết những bất ổn. Thêm vào đó, kết quả của cuộc bầu cử này sẽ không chỉ có tác động trong biên giới nước Pháp mà còn ảnh hưởng tới cả tương lai của Liên minh Châu Âu (EU).


Các ứng viên tham gia cuộc bầu cử tổng thống vòng một của Pháp.


Là quốc gia có ngân sách quốc phòng danh nghĩa lớn thứ năm trên thế giới với mức bình quân đầu người lớn nhất EU, Pháp cũng đồng thời sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên hành tinh. Không chỉ là quốc gia có mạng lưới quan hệ ngoại giao lớn thứ hai toàn cầu (chỉ sau Mỹ), Pháp là một trong những nước sáng lập EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên hợp quốc (LHQ) và là một trong 5 thành viên có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi đó, khác với một vài quốc gia Châu Âu khác, Tổng thống Pháp nắm nhiều quyền lực thật sự sau khi Hiến pháp nền Cộng hòa thứ 5 (năm 1958) đã trao cho nhà lãnh đạo ở vị trí này quyền điều hành tối cao trong lĩnh vực hành pháp, bổ nhiệm thủ tướng, vai trò trung tâm trong việc định hình chính sách đối ngoại và chỉ đạo các chính sách của Chính phủ. Vì thế, việc tìm ra chủ nhân mới cho Điện Elysee phải trải qua nhiều giai đoạn chọn lọc kỹ lưỡng.

Với 11 ứng cử viên tranh đua trong vòng một, cuộc bầu cử năm nay cũng lần đầu tiên chứng kiến đương kim tổng thống không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Cùng với việc ứng viên của đảng Xã hội Benoit Hamon hầu như không có hy vọng gì trong khi đối thủ từ đảng Cộng hòa là Francois Fillon lại đang đối mặt hàng loạt cáo buộc điều tra, nhiều phân tích cho rằng có thể tân tổng thống sẽ là người không thuộc hai đảng chính. Nếu vậy, đây cũng là lần đầu tiên xảy ra sự kiện này.

Thăm dò do Báo Le Point tiến hành cho thấy khoảng cách giữa ông Emmanuel Macron (đảng Tiến bước) theo quan điểm trung dung và bà Marine Le Pen (đảng Mặt trận Dân tộc) theo quan điểm cực hữu đang rút ngắn dần với tỷ lệ tương ứng là 24% và 23% số người ủng hộ. Trong khi đó, cả ông F.Fillon và nhân vật cũng gây nhiều bất ngờ Jean-Luc Melenchon (đảng Nước Pháp bất khuất) với lập trường cực tả đều đạt 19%. Thăm dò do Elabe thực hiện cũng cho thấy sự dẫn trước của ông E.Macron và bà M.Le Pen. Kết quả thăm dò của BFM TV và tập chí L’Express cho biết nếu hai ứng viên này lọt vào vòng hai, ông E.Macron có thể sẽ dẫn trước với 65% phiếu ủng hộ.

Việc ứng viên nào được lựa chọn sẽ quyết định hướng đi của nước Pháp trong những năm tới. Nếu như bà M.Le Pen với lập trường chống EU, luôn tuyên bố sẽ thắt chặt các quy định về nhập cư và kiểm soát biên giới, đồng thời nỗ lực đánh bại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thì ông E.Macron lại có quan điểm thân EU và đặt điểm tựa cho cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống vào tầng lớp trung lưu Pháp. Theo chính trị gia này thì đây là nhóm cử tri mà các ứng cử viên cánh tả và cánh hữu đã "bỏ quên” dù họ có nhiều cống hiến cho một nước Pháp thành công. Về phần mình, ông J.Melenchon cho biết sẽ tăng thuế với người giàu và chi khoản vay hơn 100 tỷ euro cho việc xây dựng nhà cửa và các dự án năng lượng tái tạo nếu thắng cử.

Tuy nhiên, dù bất kỳ ứng viên nào chiến thắng, người đó cũng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề mà nước Pháp đang đau đầu trong suốt thời gian qua. Hiện nay, nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới đang có tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Bên cạnh đó, nguy cơ an ninh, với 230 người thiệt mạng trong các vụ tấn công từ đầu năm 2015 tới nay, cũng được giới phân tích nhận định sẽ khiến kết quả cuộc bầu cử trở nên khó đoán định.

Những gì đang diễn ra trên chính trường Pháp cũng cho thấy các đảng phái chính trị lớn ở nước này đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng sâu sắc. Tuy nhiên, dù thế nào, chắc chắn ý nguyện của người dân Pháp về tương lai của chính họ sẽ được thể hiện rõ ràng sau vòng bỏ phiếu đầu tiên này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc bầu cử khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.