Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Luồng gió mới" cho hòa bình Trung Đông

Thùy Dương| 26/05/2017 06:29

(HNM) - Tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, một trong những vấn đề gai góc nhất ở Trung Đông đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập trong chuyến công du tới Israel và khu Bờ Tây.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, khu Bờ Tây.


Tổng thống D.Trump từng gửi nhiều thông điệp khác nhau về cách tiếp cận cuộc xung đột đã kéo dài gần 7 thập kỷ này. Ông gọi thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine là "thỏa thuận tối hậu", một trong những vấn đề đã bị trì hoãn qua nhiều đời tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn để hai bên tự giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các quốc gia Trung Đông đang có cơ hội hiếm hoi để có thể mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tạo ra tương lai hòa bình và thịnh vượng. Song, điều đó chỉ có thể đạt được khi các nước bắt tay hợp tác. Do đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv và cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, ông D.Trump đều tập trung vào những nỗ lực nối lại các cuộc hòa đàm giữa hai bên vốn đình trệ từ tháng 4-2014.

Có thể thấy, với chuyến thăm lần này, Tổng thống D.Trump muốn tiếp cận một cách nghiêm túc vấn đề Israel - Palestine. Ông chủ Nhà Trắng mong đợi có thể tìm ra được con đường thích hợp, hoặc ít nhất là có được một chuyển biến nào đó, sau các cuộc gặp gỡ với Thủ tướng B.Netanyahu và nhà lãnh đạo Palestine M.Abbas. Chi tiết đắt giá nhất cho thái độ của Mỹ đối với mối quan hệ Israel - Palestine là vấn đề Đại sứ quán Mỹ. Trước đây, ông D.Trump từng “gây sốt” dư luận với ý định dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem. Nếu xảy ra, điều này sẽ đồng nghĩa với việc Washington mặc nhiên công nhận Jerusalem là lãnh thổ của quốc gia Do Thái và như vậy sẽ khiến tình hình cả khu vực thêm phức tạp và cực kỳ khó kiểm soát. Tuy nhiên tuần trước, một quan chức Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống D.Trump đã trì hoãn quyết định này...

Trong khi đó cả hai nhà lãnh đạo của Israel và Palestine, đều thể hiện sự sẵn lòng nối lại các vòng đàm phán hòa bình với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Tổng thống M.Abbas cam kết với ông D.Trump rằng người dân Palestine sẽ theo đuổi hòa bình, đồng thời khẳng định các cuộc gặp của ông với nhà lãnh đạo Mỹ đã cho người dân Palestine và các nước Arab trong khu vực “nhiều hy vọng và sự lạc quan về khả năng đạt được một nền hòa bình lâu dài, vốn là ước mơ và nguyện vọng bấy lâu nay”. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bất cứ lãnh đạo nào muốn đưa Israel và Palestine cùng ngồi vào bàn đàm phán đều sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn.

Trên thực tế cả ông B.Netanyahu và ông M.Abbas đều đang chịu sức ép về mặt chính trị ở trong nước. Chính phủ hiện tại của Israel được dẫn dắt bởi Thủ tướng B.Netanyahu là một trong những chính quyền có tư tưởng bảo thủ nhất trong lịch sử nước này, trong khi Tổng thống M.Abbas của Palestine cũng gặp những khó khăn trong việc điều hành. Cả hai nước đều có mức độ lòng tin lẫn nhau rất thấp. Vì vậy, giới truyền thông quốc tế cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống D.Trump đến Israel và Palestine chưa thể lập tức tái khởi động đàm phán hòa bình giữa hai bên mà chỉ là giai đoạn đầu của sự chuẩn bị cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Cụ thể, bằng những cuộc đối thoại với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông D.Trump đã mang đến niềm hy vọng về khả năng sẽ có những đột phá nhằm nối lại cuộc hòa đàm đang bị bế tắc và hướng tới một nền hòa bình cho cả hai dân tộc. Chuyến thăm cũng hướng tới mục tiêu khôi phục và cải thiện mối quan hệ song phương Mỹ - Israel vốn rất “phức tạp” trong suốt 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Luồng gió mới" cho hòa bình Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.