Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ khủng bố hiện hữu

Hoàng Linh| 28/05/2017 07:27

(HNM) - Trong ấn phẩm Rumiyah của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được phát hành vào tháng 5-2017, nhóm này đã khuyến khích các hành vi trộm cướp và khủng bố nhằm gây thiệt hại đối với những người không theo đạo Hồi.

Một sĩ quan cảnh sát Philippines với bản nhận diện các phần tử Maute tại một chốt an ninh ngày 27-5.


Các thuật ngữ như Wilayah al-Filibin và Wilayah Asia Timur, ám chỉ rằng Đông Á là một tỉnh của IS được lan truyền trên internet mấy tuần gần đây. Trong khi đó, vụ đánh bom liều chết ở Đông Jakarta (Indonesia) ngày 24-5 và các cuộc giao tranh giữa lực lượng Chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Maute trong những ngày qua đã khẳng định nguy cơ về việc IS vươn tới khu vực Đông Nam Á.

Theo thông tin từ các cơ quan an ninh, vụ đánh bom tại Indonesia do Jamaah Ansharut Daulah (JAD), nhóm phiến quân có liên hệ với IS gây ra. Ngay sau vụ nổ, thông qua kênh tuyên truyền Amaq, IS đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. JAD được thành lập năm 2015, có thành phần gồm gần 20 nhóm cực đoan Indonesia thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Kẻ đứng đầu JAD là giáo sĩ Hồi giáo Aman Abdurrahman, hiện đang ngồi tù với cáo buộc là chủ mưu vụ tấn công hồi tháng 1 cũng ở khu vực trung tâm Jakarta. Theo ghi nhận, JAD là tổ chức đã gây ra hàng loạt vụ khủng bố gần đây tại Indonesia. Từ tháng 1-2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, chân rết Maute của IS tại Philippines lại có quá trình hình thành và thành phần phức tạp hơn. Theo thông tin do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ, nhóm phiến quân chiếm giữ TP Marawi (tỉnh Lanao Del Sur trên đảo Mindanao) từ ngày 23-5 được thành lập bởi hai cựu sĩ quan cảnh sát Manila, những kẻ được xác định có tham gia hoạt động ma túy bất hợp pháp. Hai tên này đã lập ra xưởng sản xuất ma túy lớn nhất ở Lanao Del Sur, sau đó dùng tiền từ việc buôn bán ma túy để tuyển người, thu thập các nguồn vũ khí địa phương. Tổng thống R.Duterte thừa nhận thông qua Maute, IS tại Syria và Iraq đã có thể xâm nhập Philippines...

Tuy nhiên, không chỉ Indonesia hay Philippines đang được xem là “quê hương” của IS tại Đông Nam Á. Malaysia, một quốc gia với tỷ lệ dân số theo đạo Hồi đông đảo khác, cũng đang chứng kiến sự xuất hiện ngày càng gia tăng của các phần tử có liên hệ với đội quân cờ đen. Ngay từ tháng 6-2016, nhóm Black Hawk Telegram, thủ phạm gây ra vụ đánh bom tại hộp đêm Movida (bang Selangor) khiến 8 người bị thương, đã được xác định có dính líu tới IS. Nhiều thành viên của chúng đã bị các lực lượng an ninh Malaysia bắt giữ. Theo thống kê của cảnh sát nước này, tính đến cuối tháng 2-2017, đã có tới 234 đối tượng liên quan tới IS bị bắt trên toàn lãnh thổ Malaysia.

Vì vậy, các quan chức an ninh cảnh báo sự hiện diện của IS tại khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng mở rộng và trở thành mối đe dọa đáng ngại. Bên cạnh nỗ lực mở rộng địa bàn, các “tay chân” của IS tại khu vực cũng liên tục tìm cách tuyển dụng thêm thành viên. Lực lượng này hoạt động ở tại các quốc gia chúng có mặt, đồng thời còn tham chiến tại các địa bàn nơi IS đang phải đối mặt với những lực lượng chống khủng bố thiện chiến. Theo một số nguồn tin, tới nay đã có ít nhất 1.000 tay súng rời khỏi Malaysia, Philippines, Indonesia để chiến đấu dưới trướng IS tại Syria và Iraq. Bộ Nội vụ Malaysia cũng xác nhận có ít nhất 95 công dân của nước này đã tới Syria gia nhập IS.

Trong khi đó, việc tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới liên tục bị thu hẹp địa bàn hoạt động chính tại Syria và Iraq càng khiến chúng tìm cách tăng cường ảnh hưởng và bổ sung thêm các “chi nhánh” mới. Trong đó, những nơi tiềm ẩn bất ổn về an ninh hoặc tồn tại những thành phần chống đối chính phủ, âm mưu phá hoại ổn định xã hội… sẽ luôn được coi là mảnh đất “ươm mầm” lý tưởng. Do vậy, quyết tâm củng cố hòa bình cùng với nỗ lực truy quét những mầm mống nguy hiểm phải được xem là những yếu tố then chốt nhằm ngăn chặn hiểm họa khủng bố lan rộng tại Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ khủng bố hiện hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.