Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm động cơ chính trị ẩn sau chiến dịch Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Tin tức| 24/01/2018 08:29

Chiến dịch Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt bản chất hoàn toàn khác với những lần can thiệp quân sự trước đó của quốc gia này tại Syria.


Ngày 20-1, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đánh bom tỉnh Afrin tây bắc Syria - nơi phần lớn công dân là người Kurd sinh sống. Với chiến dịch quân sự mới này, cuộc nội chiến phức tạp của quốc gia Trung Đông đang phải đối mặt với một bước chuyển mới.

Theo các chuyên gia phân tích, chiến dịch Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ về mặt bản chất hoàn toàn khác với những lần can thiệp quân sự trước đó của quốc gia này tại Syria.

Trong những năm gần đây, song song với động thái từ bỏ việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mục tiêu tiên quyết trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là làm cho lực lượng người Kurd tại quốc gia này phân chia và bị kìm hãm.

Đây là lý do xuyên suốt trong hai chiến dịch trước đó Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Syria: Chiến dịch Lá chắn Euphrates tháng 8-2016 và chiến dịch tiến công vào Idlib.

Qua chiến dịch Euphrates, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn đội quân mới hình thành từ những nhóm người Kurd nhỏ lẻ, trong khi đó, chiến dịch Idlib thì thành công trong ngăn cản lực lượng dân quân YPG mở rộng về phía tây.

Có thể thấy trong hai chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ gián tiếp nhắm vào sự hiện diện của lực lượng người Kurd tại phía bắc Syria, và không tấn công trực tiếp lực lượng PYD-YPG.

Đến chiến dịch Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt và công khai hơn, tỏ rõ thái độ nhắm thẳng vào lực lượng dân quân YPG và khởi động chiến lược đối phó với lực lượng người Kurd. Bên cạnh đó, chiến dịch này cũng nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ cho lực lượng người Kurd, rằng sự hiện diện của các cường quốc như Mỹ và Nga tại Syria sẽ không thể mãi là lá chắn hữu hiệu bảo vệ các tay súng người Kurd trước Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ Mỹ - Thổ rạn nứt

Đối với Washington và Ankara trong những năm gần đây, Syria luôn là một vấn đề quan trọng mà cả hai bên đều chưa tìm thấy giải pháp đồng nhất. Trên thực tế, khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho thấy ngày càng tồn tại khoảng cách giữa quan điểm và phương án giải quyết vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Với chiến thắng trước IS tại thị trấn Kobane (Syria) vào đầu năm 2015, lực lượng dân quân YPG - một nhánh của phong trào thuộc đảng Lao động người Kurd (PKK) nhăm nhe làm bùng phát các cuộc nổi dậy trong Thổ Nhĩ Kỳ suốt 30 năm qua - trở thành đối tác địa phương chủ chốt của Mỹ trên mặt trận chống IS.

Đặc biệt, khi chính phủ Mỹ dần chuyển sự tập trung và nguồn lực cho các phe đối lập Syria sang hỗ trợ dân quân YPG, thành lập lực lượng biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích gay gắt, coi đó là nguyên do gây ra mối lo ngại chết người.

Toan tính của Nga sau chiến dịch Afrin

Mối quan hệ Mỹ - Thổ càng bị đẩy lui ra xa thì Thổ Nhĩ Kỳ lại có cơ hội khám phá nhiều sự lựa chọn khác, đặc biệt là với Nga.

Chiến dịch Afrin có thể là ví dụ điển hình cho tình huống này. Có thể thấy chiến dịch Afrin không thể nào được triển khai nếu như Moskva “không bật đèn xanh”. Hiện tại, Nga đang kiểm soát vùng không phận Afrin. Chính vì vậy, nếu như không có sự cho phép của Nga, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không thể nào thả bom xuống tỉnh Afrin.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là điều gì khiến Nga ngầm ủng hộ chiến dịch?

Đầu tiên, Nga - Thổ - Iran trước đó cùng nhau khởi động một tiến trình đàm phán hòa bình tại Geneva với mục đích tìm ra giải pháp ổn định cho khủng hoảng Syria. Trong khi Nga và Iran đều là những nhân tố ủng hộ chính quyền Assad hết mình, thì sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ - đại diện phe đối lập - được coi là đảm bảo tính hợp pháp và độ tin cậy của tiến trình hòa bình này.

Chính vì vậy, việc Nga giữ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chơi là điều rất cần thiết, đặc biệt là khi cuộc gặp tại Sochi đang đến gần.

Thứ hai, bằng cách cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đối tác chính của Mỹ tại Syria, Nga muốn làm Mỹ mất mặt. Từ ngữ mà các quan chức Nga sử dụng ngay khi chiến dịch khởi động rõ ràng thể hiện mục tiêu đó. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov luôn đổ lỗi Mỹ phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng Syria gần đây, đặc biệt là với kế hoạch cho quân ở lại Syria lâu dài và việc hình thành lực lượng an ninh biên giới mới trong khu vực mà phe đối lập SDF kiểm soát.

Thứ ba, thông qua chiến dịch này, Nga dường như đang giành được sự nhượng bộ từ cả phía lực lượng YPG lẫn Thỗ Nhĩ Kỳ. YPG suy yếu ở phía tây bắc Syria sẽ dễ dàng cho phép chính phủ Syria kiểm soát Afrin và các khu vực xung quanh. Trong khi đó, giống với chiến dịch Lá chắn Euphrates trước đó, chiến dịch Afrin lần này của Thổ Nhĩ Kỳ được định hình theo mục đích của Nga. Bên cạnh đó, về mặt quan hệ song phương, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cần nhượng bộ trước Nga liên quan tới các thỏa thuận khí đốt (dự án khí đốt Dòng chảy TurkStream).

Nói tóm lại, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ý định về mặt quân sự của chiến dịch Afrin đang ngày càng rõ ràng, song mục tiêu chính trị và chiến lược lại khá mờ nhạt. Theo ý kiến các chuyên gia, việc thiếu một định hướng chính trị khả thi có thể đe dọa tới bất kỳ thành tựu quân sự nào mà chiến dịch giành được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm động cơ chính trị ẩn sau chiến dịch Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.