Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực vì một hành tinh xanh

Hoàng Linh| 17/12/2018 08:05

(HNM) - Sau nhiều tranh cãi, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) diễn ra tại Katowice (Ba Lan) đã khép lại với tin vui...

COP 24 đã tìm được đồng thuận về cơ chế hướng dẫn quy định cắt giảm phát thải carbon và hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.


Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải toàn cầu được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại ngay trong năm nay. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt có thể khiến lượng carbon toàn cầu trong năm 2018 tăng hơn 2% so với năm 2017, dẫn tới việc nhiệt độ trái đất thậm chí có thể tăng 3 độ C ngay trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, thay vì chỉ 1,5 độ C như mục tiêu đang hướng tới. Đây là chi tiết được nêu rõ trong báo cáo đặc biệt do Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) trình bày tại hội nghị.

Báo cáo cũng đã chỉ ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của trái đất và khả năng đạt được các mục tiêu để giữ mức tăng nhiệt độ chỉ 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Chủ tịch IPCC Hoesung Lee nêu rõ, mục tiêu trên chỉ có thể đạt được nếu các chính phủ hành động khẩn cấp và trên phạm vi rộng lớn, bao trùm mọi lĩnh vực xã hội, đồng thời khẳng định báo cáo đã gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng và hiện là lúc phải hành động.

Điều đáng nói là cách hiểu các vấn đề trong báo cáo lại chính là nguyên nhân dẫn tới nhiều tranh cãi tại COP 24, đặc biệt là giữa các nước phát triển và đang phát triển. Saudi Arabia, Mỹ, Nga và Kuwait đều tỏ ra không hài lòng với việc hội nghị “hoan nghênh” các vấn đề nêu ra trong báo cáo của IPCC. Trong khi đó, một số phái đoàn, đặc biệt là của các quốc gia và vùng lãnh thổ có vị trí thấp so với mặt nước biển, đã yêu cầu những biện pháp mạnh tay hơn để kiềm chế giới hạn mức tăng nhiệt độ chỉ 1,5 độ C. Tuy nhiên, đích đến này lại góp phần dẫn tới những tranh luận khác, nhất là về cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu. Một số quốc gia có điều kiện kinh tế vừa phải bày tỏ mong muốn có sự linh hoạt nhất định trong các quy định để không bị quá tải trong nỗ lực theo đuổi. Những mâu thuẫn đã khiến thời gian họp của COP 24 kéo dài đáng kể so với dự kiến.

Dẫu vậy, cuối cùng COP 24 đã đạt được đồng thuận hợp tác trong một khung quy định chi tiết của Hiệp định Paris năm 2015, hướng tới mục tiêu nhiệt độ trái đất chỉ tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp thông qua các biện pháp cắt giảm phát thải carbon. Trước tín hiệu tích cực này, Chủ tịch COP 24 Michal Kurtyka cho rằng, việc cùng nhau triển khai Hiệp định Paris năm 2015 là trách nhiệm lớn của các nước và cho rằng các bên cần nỗ lực để không có ai bị bỏ lại phía sau. Bà Laurence Tubiana, người được xem là “kiến trúc sư trưởng” của bản hiệp định cách đây 3 năm và hiện là thành viên Tổ chức Khí hậu châu Âu, cũng hoan nghênh kết quả của COP 24, cho rằng việc các phái đoàn đạt được nhất trí là bước tiến lớn trong việc triển khai văn bản này. Song, bà cũng nhấn mạnh, việc xây dựng và bảo đảm được hệ thống giám sát minh bạch sẽ là thách thức lớn nhất trong thời gian tới. Nhưng điều đó sẽ giúp các nước củng cố được niềm tin chung, đánh giá được chính xác hơn những thành tựu đạt được trong quá trình triển khai các biện pháp.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, sự đồng thuận tại COP 24 chính là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015. Trong vòng 1 năm tới, mọi nỗ lực của các bên sẽ được ghi nhận rõ ràng hơn và sẽ thể hiện rõ nét khi COP 25 diễn ra tại Chile (thay vì Brazil vào cuối năm 2019).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vì một hành tinh xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.