Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng đá nữ Việt Nam: Câu chuyện giữa thành tích và đẳng cấp

Thùy An| 30/09/2014 06:54

(HNM) - Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam không thể đảo lộn trật tự bóng đá nữ Châu Á khi nhận thất bại 0-3 trước Nhật Bản ở trận bán kết vào chiều 29-9.



Sau trận đấu, HLV đội Nhật Bản N.Sasaki đã khen ngợi màn trình diễn của thủ thành Kiều Trinh bên cạnh sự tiến bộ về cách triển khai lối chơi của đội tuyển nữ Việt Nam. Theo ông N.Sasaki, Kiều Trinh đã có màn trình diễn tuyệt vời, thi đấu quả cảm nên đã cứu thua rất nhiều lần cho đội nhà. Nhưng việc thủ thành được khen hết lời về sự quả cảm cũng đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể về trình độ với Nhật Bản. Nếu thủ thành này không phải thể hiện tài năng quá nhiều thì sẽ tốt hơn cho đội tuyển Việt Nam. Đằng này, các học trò của HLV Mai Đức Chung không thể ngăn cản đối thủ áp sát khung thành và phải trông vào thủ thành Kiều Trinh cũng như sự may mắn hoặc dứt điểm đầy vô duyên của các chân sút Nhật Bản. Còn đến lúc nào để xóa nhòa sự chênh lệch trong mỗi cuộc đối đầu Nhật Bản, để thủ thành đội nhà không phải làm việc vất vả lại là câu chuyện dài. Hiện tại, chúng ta vẫn phải hài lòng với vị trí "vừa phải" trong làng bóng đá nữ Châu Á, bất chấp đã lọt vào đến bán kết ASIAD 2014.

Xét một cách công bằng, kể cả khi thắng Thái Lan ở trận tứ kết để lập nên dấu mốc mới trong lịch sử phát triển thì Đội tuyển nữ Việt Nam vẫn chưa bộc lộ sự phát triển bền vững. Các học trò của HLV Mai Đức Chung vẫn yếm thế, kể cả khi thắng trận. Đấy là biểu hiện của một đội tuyển đến từ một nền bóng đá phát triển chưa bền vững - vốn dựa trên nguồn tuyển chọn phong phú trong hệ thống đào tạo bài bản. Thái Lan dù thua trong một trận đấu nhưng vẫn hơn bóng đá Việt Nam ở khía cạnh này. Xét cho cùng, một nền bóng đá mà chỉ có 6 đội dự Giải vô địch quốc gia, 5 đội dự giải U19 quốc gia, thu nhập của cầu thủ hạn chế, không thiếu cầu thủ gặp khó khăn khi tìm công việc lúc chia tay nghiệp "quần đùi, áo số" thì sẽ luôn chông chênh nếu muốn có đội tuyển quốc gia thực sự mạnh, có đẳng cấp cao. Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam quá hiểu điều đó và đang cố gắng giải quyết. Việc khóa đào tạo cầu thủ bóng đá nữ trẻ ngay tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam của LĐBĐ Việt Nam bắt đầu đi vào hoạt động thời gian qua ít nhiều khiến người ta tin rằng đội tuyển quốc gia - bộ mặt mỗi nền bóng đá, sẽ phát triển ổn định hơn.

Tất cả để thấy, bóng đá nữ Việt Nam còn nhiều việc phải làm chứ không phải vào nhóm 4 đội mạnh nhất ASIAD cũng đồng nghĩa đã lên tầm cao mới. Đơn giản, đó chỉ là sự đột biến về thành tích chứ chưa hẳn là nâng tầm về đẳng cấp.

Thua Nhật Bản ở trận bán kết, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp Hàn Quốc (thua CHDCND Triều Tiên 1-2 ở trận bán kết khác) tại trận tranh HCĐ, ngày 1-10.

Điền kinh, xe đạp suýt tạo kỳ tích

Trong ngày 29-9, Đoàn Thể thao Việt Nam có thêm 2 tấm HCB. Đáng tiếc hơn cả là trường hợp VĐV Hà Nội 22 tuổi Bùi Thị Thu Thảo (giành vé đến ASIAD vào phút chót) khi xếp nhất sau 5 lượt nhảy đầu với 6m44. Nhưng đến lượt 6, lượt cuối, L.Natalia (Indonesia) đạt 6m55 để đoạt HCV trong khi Bùi Thị Thu Thảo vẫn không qua mức 6m44, đành nhận HCB. Việc Bùi Thị Thu Thảo đoạt HCB là bất ngờ lớn của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Ở nội dung xe đạp đường trường, quá trình tập huấn tại Thụy Sĩ đã giúp Nguyễn Thị Thật thi đấu xuất sắc và giành HCB. Hiện đoàn Việt Nam đang xếp thứ 18 với 1 HCV, 9 HCB, 20 HCĐ.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bóng đá nữ Việt Nam: Câu chuyện giữa thành tích và đẳng cấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.