Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh: Có "đóng cửa bảo nhau"?

Việt Nga| 20/11/2015 06:50

(HNM) - Bản quyền truyền hình nói chung, bản quyền các giải bóng đá quốc tế lớn, trong đó có Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh là chuyện cạnh tranh sống còn giữa các

Do vậy, cũng là dễ hiểu khi mà chi phí cho truyền hình lớn nhất chính là trả phí bản quyền, đầu tư làm nội dung. Lý thuyết là vậy, nhưng lại có những vấn đề đặt ra trong việc mua bản quyền là nếu không có sự hợp tác, các "nhà đài" trong nước có thể phải chịu thiệt hại không nhỏ…

Bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh bị đẩy lên quá cao trong một số năm gần đây do sự thiếu hợp tác của một số “nhà đài”.


Đầu tháng 11-2015, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn gửi các đơn vị phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương, đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền trên cả nước, yêu cầu các đơn vị chủ động trong đàm phán bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh trên tinh thần không chấp nhận mua bản quyền bằng mọi giá. Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, các đài phát thanh, truyền hình, các đơn vị có liên quan đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm từ các mùa giải trước, chủ động sớm hình thành ban đàm phán mua bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh. Đây là lần đầu tiên cơ quan quản lý nhà nước chính thức vào cuộc bằng việc yêu cầu các "nhà đài" phải hợp tác để cùng có lợi, tránh "chảy máu" ngoại tệ…

Rõ ràng, chủ trương trên được đánh giá cao trước thực tế những gì đã diễn ra, khi một thời gian khá dài, các "nhà đài" vì nhu cầu riêng đã cạnh tranh khốc liệt, đẩy giá bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh lên cao quá mức. "Nhà đài" mua được thì hả hê còn đơn vị sau khi không đạt được thỏa thuận về chia sẻ bản quyền lại "tố" nhau phá giá... Có thể thấy điều này qua thống kê như sau: Mùa giải 2013-2016, các "nhà đài" chi phí khoảng 38 triệu USD để được phát sóng Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh; mùa giải 2010-2013 con số này là khoảng 19 triệu USD; mùa giải 2007-2010 khoảng 4 triệu USD; 2004-2007 là 2 triệu USD… Trong khi đơn vị giữ bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh tại Việt Nam đang chào bán bản quyền giai đoạn 2016-2019 với giá rất cao và "nhà đài" trong nước không đoàn kết, không hợp tác thì câu chuyện bản quyền giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới sẽ tiếp tục bị đẩy giá cao hơn nữa và phần thiệt hại thuộc về các đơn vị trong nước.

Hiện nay, thị phần truyền hình trả tiền Việt Nam chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp nhà nước như: SCTV, VTVcab, Viettel, VNPT hoặc là các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ quyền chi phối như: K+, Hanoicab, FPT. Thị trường truyền hình Việt Nam tính đến hết tháng 6-2015 có gần 10 triệu thuê bao. Theo các chuyên gia, việc các đơn vị truyền hình đã phải bỏ ra 38 triệu USD để mua bản quyền phát sóng Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh ba mùa giải 2013-2016 là số tiền quá lớn so với quy mô của thị trường Việt Nam.

Mới đây, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất xem xét và chỉ đạo về giá mua bản quyền Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019. Trong đó, VNPayTV nêu rõ, nếu bản quyền có giá cao hơn mùa giải 2013-2016 trên 20% thì thống nhất không để các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và các đài mua bản quyền. Nếu đơn vị nào mua được giá với mức như mùa giải 2013-2016 hoặc cao hơn dưới 20% thì có trách nhiệm chia sẻ lại cho các đơn vị khác ở mức hợp lý, cụ thể tỷ lệ các trận đấu phát độc quyền thấp hơn mùa giải 2013-2016. Như vậy, thông điệp của VNPayTV là rất rõ ràng, nếu mua bản quyền không quá 20% so với mùa trước, tính ra số tiền tương ứng sẽ khoảng 45,6 triệu USD để phát sóng trong 3 năm và đơn vị mua được bản quyền không được độc quyền, mà có trách nhiệm chia sẻ lại cho các đơn vị khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh mua bản quyền Giải Ngoại hạng Anh: Có "đóng cửa bảo nhau"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.