Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hát cũng là chiến đấu

ANHTHU| 26/04/2008 09:56

(HNM) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước, Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) là một trong những điểm hội tụ lớn về tinh thần đấu tranh cách mạng của cả nước.

Thế hệ thanh niên hôm nay luôn sẵn sàng tiếp bước cha anh đóng góp sức lực xây dựng tổ quốc, mang lời ca tiếng hát tới mọi miền của đất nước. Ảnh: Nhật Nam

(HNM) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước, Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh) là một trong những điểm hội tụ lớn về tinh thần đấu tranh cách mạng của cả nước.

Từ đây, các phong trào thanh niên - sinh viên thành phố với những cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ với các phong trào đốt xe tăng Mỹ, phản đối độc diễn bầu cử, phản đối chiến tranh leo thang, hát cho đồng bào tôi nghe... đã liên tục tấn công vào kẻ thù, trở thành ngòi pháo của các giới đồng bào và tuổi trẻ cả nước, góp phần làm nên đại thắng Mùa xuân 1975 lịch sử.

Trong những năm tháng đấu tranh chống Mỹ, lớp lớp sinh viên - học sinh Sài Gòn đã xếp bút nghiên, tạm biệt giảng đường, băng mình vào rừng núi chiến khu xây dựng căn cứ kháng chiến bí mật; một số ở lại tham gia biểu tình, tấn công đồn bốt giặc tạo nên những trận đánh long trời lở đất ngay giữa lòng thành phố. Một trong những phong trào sinh viên - học sinh Sài Gòn yêu nước nổi lên khi ấy là: “Hát cho đồng bào tôi nghe” của đoàn văn nghệ sinh viên - học sinhSài Gòn (thuộc Tổng Hội sinh viên Sài Gòn). Ra đời năm 1966, nhưng đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn chưa có những ca khúc cho riêng mình, phải lấy những bài dân ca hay những bài sử ca như Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang... để tuyên truyền trong nhân dân lòng yêu nước, khát khao hòa bình, đòi hỏi độc lập tự do thống nhất đất nước, chống áp bức bất công. Mãi đến đầu năm 1968 các thành viên trong đoàn mới có những sáng tác, và phong trào được nhen lên trở thành cao trào mà đỉnh điểm là: “Đêm văn nghệ Quang Trung” đã đưa văn nghệ trở thành một vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù. Từ đó; số thành viên trong đoàn đã tăng mạnh lên đến trên 200 người so với 50 người ban đầu, hàng loạt các ca khúc yêu nước cũngđược ra đời như: Hát cho dân tôi nghe, Tiếng gọi sinh viên, hát trong tù (Tôn Thất Lập), Người mẹ Bàn Cờ, Người cha bến tàu (Trần Long Ẩn), Dậy mà đi (Nguyễn Xuân Tân), Dâng hoa cho nước, Chim hòa bình (Trần Xuân Tiến), Tự nguyện, Dành cho má một ngày (Trương Quốc Khánh) Tổ quốc ơi ta đã nghe (La Hữu Vang)... Những ca khúc ấy thường xuyên được biểu diễn phục vụ cho đồng bào nghèo, công nhân lao động... nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; qua đó cổ vũ người dân xuống đường biểu tình đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai.

Dù hoạt động với tư cách công khai hợp pháp, nhưng không ít lần biểu diễn đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn bị cảnh sát Sài Gòn đàn áp. Một số người như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trần Xuân Tiến... bị bọn chúng bao vây, rượt bắt. Những người “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” này đã nhận thức được rằng, hát là chiến đấu, nên vẫn tiếp tục đem lời ca tiếng hát của mình đến với người dân, giúp họ hiểu hơn về cách mạng, căm thù bè lũ tay sai và bọn đế quốc xâm lược. Do đó, dù có những lúc bị nòng súng chĩa thẳng vào người họ vẫn hiên ngang đứng hát, sẵn sàng chấp nhận hy sinh.

Những ngày miền Nam sôi sục bởi nhiều trận đánh lớn diễn ra ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mở đầu cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, khí thế “hát cho đồng bào tôi nghe” càng thêm hừng hực. Đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn bắt đầu tăng cường lực lượng cho những đêm biểu dương lực lượng, những ngày tuyệt thực của các sinh viên - học sinh các tỉnh phía Nam. Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho biết, sau khi nhận được lệnh cấp trên là sẽ có một trận đánh lớn vào Sài Gòn (chiến dịch Hồ Chí Minh), đoàn văn nghệ học sinh - sinh viên đã quyết định cử nhạc sĩ Nguyễn Huyên chịu trách nhiệm liên hệ với tổ chức bên trong để chỉ đạo hoạt động. Cách ngày 30-4 đúng 1 tháng, đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn được phân công ra các chốt ngoại ô để hướng dẫn bộ đội vào nội thành, làm công tác tư tưởng cho người dân... Chính trong thời gian này, đoàn đã bí mật tập đi tập lại 2 bài hát: “Giải phóng miền Nam (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) và “Tiến quân ca” (Nhạc sĩ Văn Cao); đồng thời nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cho ra đời ca khúc: “Hát mừng quê hương thống nhất”. Với những ca từ hùng hồn nhưng cũng thấm đậm tình cảm, ca khúc “Hát mừng quê hương thống nhất” được vang lên liên tục vào sát những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã gieo vào lòng người dân một tình cảm tha thiết khi đất nước hòa bình. Khi các cánh quân của ta tiến vào Dinh Độc Lập, cũng là lúc đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn kéo đến Đài phát thanh Sài Gòn hát vang ca khúc: “Giải phóng miền Nam” và nhiều ca khúc quen thuộc của sinh viên, học sinh như: Dậy mà đi, Tự nguyện, Tổ quốc ơi ta đã nghe...

Đất nước được giải phóng, hòa bình lập lại, đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn đã trở thành đoàn văn nghệ Thành đoàn, nhưng họ vẫn tiếp tục sứ mệnh vẻ vang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, đó là tuyên truyền đường lối cách mạng, tuyên truyền ước mơ cho tương lai của đất nước qua những chuyến lưu diễn văn nghệ phục vụ cho đồng bào vùng sâu vùng xa, trên các công trường, nông trường...

Hồ Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hát cũng là chiến đấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.