Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công chứng tư: Chưa quản chặt

Hà Phong| 19/04/2010 06:31

(HNM) - Thông tin về cái chết của Trưởng văn phòng Công chứng (VPCC) Việt Tín (Hà Nội) liên quan đến việc chứng nhận nhiều hồ sơ giả khiến không ít người dân lo lắng, vì không biết hồ sơ công chứng của mình thật hay giả, phải xử lý thế nào.

Theo luật gia Lê Hồng Sơn, căn cứ vào Luật Công chứng, với những hồ sơ giả quá tinh vi, công chứng viên (CCV) không thể phát hiện bằng cảm quan, thì xem như người dân lãnh đủ hậu quả.

Khi "hút khách" được đưa lên hàng đầu

Vấn đề đặt ra là, khi hệ thống phòng công chứng (PCC) nhà nước độc quyền hoạt động, hiếm khi cơ quan chức năng phát hiện thấy sai phạm. Nhưng khi VPCC (hay còn gọi là công chứng tư) được cấp phép hoạt động, ngày càng có nhiều điều tiếng liên quan đến công tác thẩm định giấy tờ của đội ngũ này, nhất là khi yếu tố cạnh tranh, hút khách được nhiều VPCC đưa lên hàng đầu. Ông Phạm Thanh Cao, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp thừa nhận, trước thời điểm xảy ra vụ việc ở VPCC Việt Tín, đã có một số VPCC phản ánh việc nhiều người dân sau khi thực hiện hợp đồng mua tài sản có công chứng của Việt Tín đã đến cơ quan đăng ký nhà đất để làm thủ tục sang tên thì mới ngã ngửa vì các giấy tờ hợp đồng đều là... giả!

Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Công chứng Hồ Gươm.

Qua tìm hiểu cho thấy, một số đối tượng đã làm giả các văn bản hợp đồng công chứng ủy quyền của một VPCC khác với nội dung nhượng tài sản nhà, đất. Sau đó, mang hợp đồng ủy quyền rởm này đến VPCC Việt Tín để công chứng hợp đồng mua bán tài sản cho người mua. Cách đây không lâu, luật sư Nguyễn Phương Nam (Trưởng văn phòng luật sư số 10) đã tiếp nhận hồ sơ 3 khách hàng ở quận Hoàn Kiếm, với 3 hợp đồng ủy quyền có dấu hiệu sai phạm do Việt Tín công chứng. Cụ thể, trong 3 bản hợp đồng này đều ủy quyền cho một người tên Linh. Theo đó, Linh được bố mẹ ủy quyền, thay mặt gia đình bán 2 căn hộ có giá trị hàng tỷ đồng ở các phố Nguyễn Công Trứ, Cầu Gỗ (Hà Nội). Khách hàng mang hồ sơ đến gặp cơ quan chức năng về nhà đất thì bị từ chối với lý do bản công chứng không hợp lệ. Ngoài ra, khi khách hàng đã "mục sở thị" căn nhà được Linh bán (theo nội dung hợp đồng ủy quyền) thì tá hỏa, căn nhà đang thuộc sở hữu của một người khác. Trước đó, Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã nhận được báo cáo của VPCC Thăng Long cho biết, VPCC Việt Tín có liên quan đến 4 bộ hồ sơ ủy quyền được làm giả tinh vi (có 4 bộ hồ sơ kèm theo). Tất cả những chữ ký của các CCV thuộc VPCC Thăng Long và con dấu trong 4 bộ hồ sơ ủy quyền mua bán nhà, đất đều bị làm giả. Những bộ hồ sơ này được các đối tượng mang đến VPCC Việt Tín công chứng để chuyển từ người ủy quyền thành người chuyển nhượng. Và CCV Nguyễn Minh Hải là người ký và đóng dấu công chứng những bộ hồ sơ này. Ngay sau khi xác minh sự việc nêu trên là có thật, Sở Tư pháp tính đến chuyện chấm dứt hoạt động của VPCC Việt Tín và niêm phong toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của văn phòng này để phục vụ công tác điều tra.

Người dân lãnh đủ

Theo luật gia Lê Hồng Sơn, khi để lọt hồ sơ giả, trách nhiệm của CCV như thế nào thì Luật Công chứng lại chưa làm rõ. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Sơn cho biết, trong trường hợp người dân "dính" hồ sơ giả đem công chứng, dẫn đến thiệt hại, muốn đòi bồi thường phải kiện ra tòa và phải thu thập các chứng cứ liên quan để chứng minh thiệt hại đã xảy ra... Sau đó, nếu tòa xác định CCV có lỗi (làm sai quy trình hoặc biết giả mà vẫn chứng thực) thì CCV mới phải bồi thường. Quy định như vậy, nhưng với những hồ sơ giả quá tinh vi, CCV không thể phát hiện bằng cảm quan, thì xem như người dân lãnh đủ.

Mặt khác, theo phản ánh của người dân, tại một số VPCC tư, người giao dịch phải trả phí cao hơn công chứng nhà nước. Bởi ngoài mức phí theo quy định, VPCC còn thu thêm thù lao công chứng. Khoản thù lao này không có một khung chuẩn nào mà do hai bên (người làm công chứng và người đi làm công chứng) thỏa thuận, căn cứ vào tính chất phức tạp của từng dịch vụ. Đây chính là vấn đề các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc để giải mã. Thực tế cho thấy, tính phức tạp của dịch vụ công chứng, chứng thực rất khó đong đếm và không phải ai đi công chứng cũng hiểu biết về pháp luật cũng như mọi thủ tục... Trong khi đó, người dân chỉ nghĩ giá mình phải trả là do Nhà nước quy định vì 41/42 VPCC trên địa bàn Hà Nội đều tự đeo cho mình cái mũ trực thuộc Sở Tư pháp trên biển hiệu.

Cách ghi này dễ gây nên sự hiểu nhầm rằng VPCC này là đơn vị trực thuộc Sở Tư pháp. Trong khi đó, khoản 1 Điều 26 Luật Công chứng khẳng định, VPCC do một CCV thành lập được tổ chức và hoạt động theo mô hình và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Còn VPCC do hai CCV trở lên thành lập thì theo mô hình công ty hợp danh. Các loại hình VPCC này tự chịu trách nhiệm về hoạt động và chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp về lĩnh vực công chứng chứ không phải là đơn vị trực thuộc của Sở Tư pháp. Và cũng theo quy định của pháp luật (Điều 2 Nghị định 02/2008/NĐ-CP), Sở Tư pháp chỉ có vai trò là cơ quan giúp UBND quản lý nhà nước về công chứng chứ không phải là cơ quan chủ quản.

Việc các VPCC bị "loạn" như trên hơn ai hết các cơ quan tư pháp, đặc biệt Bộ Tư pháp là cơ quan thông hiểu pháp luật phải là người đầu tiên lên tiếng. Thế nhưng đáng buồn là Luật Công chứng đã đi vào cuộc sống 2 năm mà tình trạng loạn "tên cha, tên mẹ" nêu trên vẫn đang tồn tại và gây không ít hậu quả nghiêm trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công chứng tư: Chưa quản chặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.