Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi một niềm tin

Võ Lâm| 21/06/2011 06:42

(HNM) - Chính độc giả sẽ chọn lọc và đào thải những gì không phù hợp để đưa mọi thứ trở lại với những giá trị bền vững của cuộc sống. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng, báo chí cách mạng Việt Nam sẽ mãi giữ vẹn nguyên những gì đã làm nên lịch sử, dẫu cho cơn lốc thị trường đang càn quét mạnh mẽ.

Những bài báo, những tác giả được tôn vinh trong Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ V vào 20h tối nay sẽ là một minh chứng sống động cho điều đó. 

Phóng viên tác nghiệp trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Viết Thành


Những điều cần suy ngẫm

Đã qua rồi thời kỳ bao cấp. Ngay cả những tờ báo trực thuộc cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước hiện nay cũng đều phải căng mình ra để lo toan vấn đề kinh tế. Yếu tố thị trường đã len lỏi và gây ảnh hưởng trên từng số báo. Cầm tờ báo nóng hổi mới phát hành, hoặc mở một trang báo điện tử, một trong những điều được người làm báo quan tâm đầu tiên là có mấy trang quảng cáo (hoặc banner quảng cáo-đối với báo điện tử), thu nhập thế nào. Bởi đó là nguồn thu chính để trang trải công in, chi trả nhuận bút, lương cán bộ, phóng viên và biết bao nhiêu chi phí tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ khác như mực in, tiền điện, cước điện thoại, xăng xe, tiền thuê văn phòng…

Để giữ “an toàn kinh tế”, báo chí phải tìm rất nhiều cách. Một số cơ quan báo chí năng động mở công ty, xâm nhập vào lĩnh vực bất động sản, coi như “nghề tay trái” để bảo đảm thu nhập mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo. Tất cả là nhằm thực hiện một mục đích trong sáng và rất đáng trân trọng: định kỳ báo lại được in và đến tay bạn đọc gần xa. Nhưng không phải tờ báo nào cũng làm được như thế. Rất nhiều tờ báo phải bươn chải hết sức khó khăn để tồn tại… Nói như vậy để thấy rằng, yếu tố kinh tế thị trường có ảnh hưởng to lớn đối với báo chí nước nhà hiện nay. Nó khiến nhiều tờ báo không còn “giữ được mình”, tạo ra rất nhiều những điều “chướng tai, gai mắt” trong dư luận.

Dòng chủ lưu vẫn sáng

Không biết bao giờ thì những mặt trái của làng báo được loại trừ. Nhưng có một điều có thể yên tâm là, những biểu hiện ấy vẫn là thứ yếu và chưa khi nào được đông đảo độc giả chấp nhận. Những tờ báo bàn những việc thời sự một cách nghiêm túc vẫn thành công, được độc giả gần xa chào đón. Chia sẻ về điều này, ông Phạm Đức Hải, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, một trong những tờ báo có số phát hành khá lớn cho biết: “Bài học thành công của chúng tôi là tập trung biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt thật sự trong xã hội. Bằng cách này, tia-ra (số lượng in - PV) của báo vẫn tăng.

Giải Báo chí quốc gia năm nay cũng là một minh chứng sống động cho thực tế này. Những phần thưởng dành cho giới báo chí không chỉ gói gọn trong ý nghĩa của tấm bằng khen, mà còn chứng tỏ rằng, những giá trị xứng đáng của cuộc sống đã được tôn vinh. Các tác phẩm báo chí đoạt giải năm nay là những tác phẩm nổi trội nhất, gây được tiếng vang trong lòng bạn đọc và có sức ảnh hưởng đối với các quyết định xã hội. 128 tác phẩm đoạt giải được chọn lựa từ hơn 1.300 tác phẩm dự giải đã cho thấy một bức tranh cực kỳ sống động về các vấn đề mà báo chí xâm nhập, cảm thụ, phản ánh và đóng góp ý kiến. Sự nổi trội của các tác phẩm báo chí dự giải và đoạt giải đã xóa nhòa đi những hình ảnh “chướng tai, gai mắt” của báo chí bị thương mại hóa hiện nay. Nó cho thấy, “dòng chủ lưu” của làng báo chí nước ta vẫn sáng.

Có thể phân định rõ 4 mảng đề tài nổi bật mà các tác phẩm báo chí đoạt giải năm nay đề cập đến: Bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống tiêu cực, những vấn đề xã hội đương đại và những nhân tố mới. Những chủ đề ấy cho thấy, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn vẹn nguyên tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu và sự nhạy cảm thời cuộc. Nếu cứ nhìn vào những tác phẩm báo chí được trao giải hằng năm của Hội Nhà báo Việt Nam không thể thấy được những khó khăn về kinh tế của các tờ báo. Tất cả đều đã vượt lên trên những lo toan kinh tế để hướng về độc giả, hướng về những lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước. Bạn đọc và người dân vẫn tìm thấy chỗ dựa tinh thần, những địa chỉ sẻ chia từ các tờ báo. Khi được hỏi rằng báo chí thể hiện tinh thần yêu nước ra sao qua các tác phẩm đoạt giải năm nay, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nói: “Có lẽ không cần trả lời, đó là điều rất rõ ràng”. Báo chí vẫn là những người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng.

Trong không khí kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2011) này, một cuộc hội thảo khoa học về tính chuyên nghiệp của báo chí vừa diễn ra tại Hà Nội. Đề dẫn hội thảo khẳng định, tính chuyên nghiệp của báo chí Việt Nam vẫn chưa cao. Điều này phải chăng có sự đồng điệu với nhận xét của Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia năm nay rằng: Chúng ta vẫn thiếu những bài viết thật sự xuất sắc, làm lay động lòng người. Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nói thêm rằng: “Dường như các nhà báo chưa thật sự đầu tư cho tác phẩm của mình, còn tòa soạn cũng chưa thật khắt khe”. Nói những điều này để thấy rằng, báo chí Việt Nam vẫn đang không ngừng tìm kiếm cách thức để hoàn thiện mình. Đó là điều đáng mừng hơn là đáng lo. Niềm tin về sự vững vàng của báo chí trước cơn lốc thị trường là vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi một niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.