Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chú trọng trách nhiệm tự nghiên cứu pháp luật của công dân

An Trân| 28/09/2011 06:54

(HNM) - Hôm qua (27-9), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP).


Tán thành sự cần thiết ban hành Luật PBGDPL và thống nhất lấy ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật, song các thành viên UBTVQH cho rằng, dự thảo mới tập trung vào các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân, nhưng chưa đưa ra được các chính sách pháp luật để thực hiện công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật của người dân và xã hội.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, công tác đưa luật, các văn bản luật vào cuộc sống hiện nay chưa tốt, nên cần thiết phải xây dựng luật. Mục tiêu của luật là làm cho công dân Việt Nam hiểu được quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tìm hiểu pháp luật, thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu bật, làm rõ được vai trò chủ thể, đối tượng áp dụng chính là công dân; chưa nhắc đến trách nhiệm tự học, tự nghiên cứu pháp luật của công dân. Dự thảo luật cần phân biệt nội dung PBGDPL phổ thông; PBGDPL mang tính chất nghề nghiệp...

Về quy định 8 nhóm đối tượng đặc thù được ưu tiên PBGDPL trong dự thảo, có ý kiến đề nghị không nên quy định chi tiết như vậy mà chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn trong tiếp cận văn bản pháp luật hoặc đối tượng thực thi pháp luật kém. Mặt khác, việc xác định nhóm ưu tiên gồm cán bộ, công chức, viên chức, CBCS trong LLVTND là không hợp lý, vì đây là nhóm có trình độ hiểu biết cao, thường xuyên có cơ hội tiếp cận nguồn văn bản pháp luật của Nhà nước. Cùng chung nhận định, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị đưa một số nhóm đối tượng bắt buộc phải học luật: Ví dụ nhóm lao động đi nước ngoài; thanh niên trước khi kết hôn...

Tại phiên họp chiều qua, 2 nội dung lớn của dự thảo Luật GĐTP liên quan tới nội dung tổ chức GĐTP công lập về pháp y, giữ hay bỏ giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự CA tỉnh, TP trực thuộc TƯ (cấp tỉnh) như quy định hiện hành đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành viên ủy ban.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Văn Hiện, việc thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp, có tổng kết, rút kinh nghiệm rồi mới xem xét mở rộng phạm vi hoạt động. Song cũng có ý kiến cho rằng để phát huy tối đa các nguồn lực xã hội, phạm vi xã hội hóa trong GĐTP cần được mở rộng hơn mà không nên hạn chế ở những lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên. Nếu chỉ hạn chế ở những lĩnh vực này thì mục tiêu xã hội hóa công tác GĐTP rất khó thực hiện.

Liên quan tới việc nên giữ hay bỏ hệ thống tổ chức GĐTP công lập về pháp y không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự CA cấp tỉnh, hầu hết các ý kiến cho rằng hệ thống này đã và đang hoạt động hiệu quả nên việc giữ lại pháp y cấp tỉnh là khách quan và cần thiết, không nhất thiết phải xáo trộn…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng trách nhiệm tự nghiên cứu pháp luật của công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.