Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự chuyển biến từ cơ sở

Lê Hoàn| 29/09/2011 06:03

(HNM) - Nhiều tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) đã giải quyết được những việc khó, vấn đề bức xúc ở địa phương, ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Mô hình tổ chức được kiện toàn, thống nhất, giúp cấp ủy nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu...

Hơn ba năm Nghị quyết số 22-NQ/TƯ ngày 2-2-2008 của BCH TƯ Đảng (khóa X) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" đi vào cuộc sống đã tạo nên sự chuyển biến ở các cơ sở Đảng của TP Hà Nội.

Chọn việc khó để giải quyết

Điểm ghi nhận ở nhiều TCCSĐ là đã vận dụng Nghị quyết số 22 sát với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, gắn với lựa chọn những việc khó, hạn chế, khuyết điểm, tập trung giải quyết nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy.


Quy hoạch nơi để xe an toàn, đúng quy định là góp phần giữ gìn tốt an ninh trật tự trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.     Ảnh: Bá Hoạt

Tại Đảng bộ quận Hoàn Kiếm, nội dung của nghị quyết được hiện thực hóa trong Đề án số 01 "Xây dựng cơ chế hoạt động, mối quan hệ công tác tại khu dân cư (KDC) trực thuộc các phường trên địa bàn quận". Quận đã kiện toàn 163 chi bộ KDC (giảm 26 chi bộ so với trước) và thống nhất mô hình chuẩn, mỗi KDC có một chi bộ, một ban công tác Mặt trận, một chi hội phụ nữ, một chi đoàn thanh niên, một chi hội cựu chiến binh… Mối quan hệ giữa cấp ủy với các ngành, đoàn thể ở cơ sở ngày càng được củng cố, tạo sự thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sau khi đề án được triển khai, các cấp ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai, trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường xanh-sạch-đẹp…

Trước năm 2008, người dân quanh khu vực chợ Long Biên, phường Phúc Xá (Ba Đình) rất bức xúc về tình trạng mất ANTT. Cùng thời điểm đó, Nghị quyết số 22 được BCH TƯ Đảng ban hành, Đảng ủy phường Phúc Xá quyết định lựa chọn việc giải quyết tụ điểm phức tạp là một nội dung cụ thể hóa nghị quyết. 10 chi bộ đường phố khi đó đều xây dựng kế hoạch, giao các ngành, đoàn thể phối hợp với CA phường rà soát tình hình và xây dựng phương án đấu tranh. Thời gian đầu, công việc gặp khó khăn do bọn tội phạm hoạt động rất tinh vi, phần nữa còn do người dân đứng ngoài cuộc. Cán bộ, đảng viên đã xuống từng hộ thuyết phục người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tham gia bảo vệ ANTT. Vì vậy, người dân đã tích cực cung cấp thông tin, diễn biến hoạt động của bọn tội phạm, giúp lực lượng CA đấu tranh triệt xóa thành công nhiều ổ nhóm tội phạm và tệ nạn xã hội. TNXH giảm, ANTT được củng cố, yên bình trở lại với người dân.

Tại Đảng bộ khối Doanh nghiệp (DN) Hà Nội, các huyện Quốc Oai, Gia Lâm…, Nghị quyết số 22 đã góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt của các loại hình TCCSĐ. Nhiều tổ chức Đảng (TCĐ) trong khu vực DN tư nhân đã xây dựng quy chế làm việc với ban lãnh đạo, hội đồng quản trị, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động hăng hái sản xuất, kinh doanh. Nhiều TCĐ trong KDC sinh hoạt nền nếp.

Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt của cấp ủy

Kết quả kiểm tra của Thành ủy mới đây cho thấy một thực tế, ở TCCSĐ nào cấp ủy, người đứng đầu coi trọng việc quán triệt, đưa nội dung, quan điểm của nghị quyết thành chương trình hành động cụ thể, xác định mốc thời gian thực hiện, tăng cường kiểm tra, khắc phục thiếu sót… nơi đó tình hình ổn định, năng lực lãnh đạo cấp ủy được khẳng định. Ngược lại, cấp ủy, người đứng đầu không coi trọng thì việc triển khai nghị quyết chỉ là hình thức.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đảng bộ thị xã Sơn Tây thừa nhận vẫn còn một số cấp ủy chưa thể hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; năng lực, sức chiến đấu và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong phát triển KT-XH, quản lý đất đai, TTĐT còn yếu. Ở những nơi này, việc chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa nghiêm, dẫn tới xảy ra sai phạm trong quản lý; không ít cán bộ vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Phó bí thư Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm Lê Thị Minh Nguyệt phản ánh, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số TCCSĐ và đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khu vực DN. Chất lượng sinh hoạt chi bộ ở một số nơi chưa tốt, chủ yếu là kiểm điểm công tác chuyên môn, ít đề cập đến công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng, làm hạn chế vai trò lãnh đạo của Đảng…

Nhận rõ hạn chế, yếu kém của các TCCSĐ, trong Chương trình số 01 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và đội ngũ đảng viên… giai đoạn 2011-2015", Thành ủy Hà Nội đề ra 4 giải pháp. Trước tiên, Thành ủy chỉ đạo rà soát và sắp xếp mô hình TCĐ đồng bộ với hệ thống chính trị, thực hiện thống nhất trong toàn TP. Tiếp đó là bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của TCCSĐ; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp sinh hoạt của cấp ủy và sinh hoạt chi bộ theo hướng tập trung bàn công việc cụ thể của đảng bộ, chi bộ mình; quyết định những vấn đề thiết thực của chi bộ. Chi bộ phải là nơi nắm bắt tình hình tư tưởng, ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ, đảng viên; là nơi thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ phê bình và tự phê bình; phân công, quản lý, đánh giá, phân loại đảng viên thiết thực… Thực hiện đồng bộ các giải pháp này, chắc chắn năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng lên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự chuyển biến từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.