Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đường Xuân khát vọng!

Tùy bút của Bằng Giang| 24/01/2012 07:27

(HNMCT) - Đất nước đã vào Xuân, qua một năm vượt không ít chông gai để gặt hoa thơm và quả ngọt! Hà Nội thêm một mùa xuân đổi mới, tràn trề khát vọng.


Trên những nẻo đường Xuân là phơi phới sắc hồng của đào Nhật Tân, mênh mang vàng của hoa cải bên cánh bãi sông Hồng, xanh thẳm màu huyền thoại của núi Tản sông Đà in bóng sông Hồng và khỏe khoắn những đại lộ Thăng Long, những cây cầu Thanh Trì, Thăng Long - như cánh tay vươn dài nối Thủ đô tới mọi miền Tổ quốc và vượt muôn trùng đại dương đến với bạn bè quốc tế bằng phong thái đàng hoàng, đĩnh đạc, tự tin của một Thủ đô tuổi nghìn năm có lẻ…

*****


Cuộc hành trình thiên lý kể từ mùa Xuân năm 1010 vua Lý Nam Đế thực hiện ý tưởng táo bạo: Rời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình ra Đại La đổi tên thành Thăng Long nhằm xây dựng một chính quyền trung ương mạnh để cai quản toàn bộ lãnh thổ đất nước, đến nay đã ngàn năm có lẻ. Vị thế của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội trải bấy thời gian xứng là kinh đô bền vững của muôn đời: “Ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng lượn hổ chầu… tiện hướng nhìn sông tựa núi, đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng mát, cư dân không khổ về ngập lụt, vạn vật phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, ấy là nơi tốt hơn cả, thực là nơi tụ hội của bốn phương, là nơi kinh sư tốt nhất của muôn đời…”.


Hôm nay, giữa ngày Xuân nắng ấm đang hồng, đường tương lai rộng mở, giở sử vàng, ta càng tự hào hơn một Thủ đô văn hiến anh hùng, trụ vững và phát triển!

Cuộc “đánh ghen” dài nhất và dữ dằn nhất trong lịch sử cũng như khát vọng chinh phục thiên tai lớn nhất của cha ông đã được dân gian lưu truyền. Ấy là khi mảnh đất còn mấp mé tít bờ biển Đông, khi Thủy Tinh dẫn quân đánh Sơn Tinh ở vùng núi Tản để tranh giành công chúa con của vua Hùng chỉ có thể lý giải bằng khát vọng chinh phục thiên tai, giặc giã của cha ông. Nhưng chính con đường mà Thủy Tinh cùng tàn quân thất trận trở về biển Đông, cũng khởi đầu cho cuộc hành trình khai hóa văn minh, mở mang bờ cõi của Sơn Tinh. Để huyền thoại về người anh hùng trị thủy- vị thần núi Tản Viên Sơn Thánh- đứng đầu "tứ bất tử" mãi mãi đi vào tín ngưỡng dân gian, bồi đắp chất văn hiến- anh hùng của dân tộc Việt!

Trên bản đồ hình chữ S, từ cái dấu chấm tròn to, đậm, giữa châu thổ Bắc bộ nhìn ra “tứ trấn” Thăng Long, thấy rõ cái thế “nhìn sông, tựa núi” mà hiểu rõ hơn lời giải cho bài toán lớn nhất và ý nghĩa nhất trong lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam. Rằng vì sao Lý Thái Tổ lại táo bạo thực hiện cuộc dời đô từ Hoa Lư- Ninh Bình lên Thăng Long - Hà Nội để “xây nền văn hiến”? Quả nhiên, "tứ trấn" kể từ khi được lập ở Đông - Tây - Nam - Bắc quanh thành Thăng Long hơn một nghìn năm nay đã không chỉ xứng là "phên giậu" che chắn- để Hoàng thành sau bao nhiêu chinh chiến vẫn bền vững, mà còn là mảnh đất của văn vật, hiền tài thời nào cũng có!

*****


Phía trước mặt núi Tản là con sông đổ từ Vân Nam (Trung Quốc) qua Việt Trì- Phú Thọ hợp lưu với sông Đà- sông Thao, thành sông Cái - sông Hồng. Bên kia sông Hồng là đất Phong Châu - đất Tổ vua Hùng! Chảy qua Thăng Long- Hà Nội, sông Hồng tưới phù sa cho khắp vùng châu thổ- để vựa lúa phì nhiêu ngàn đời dung dưỡng con dân nước Việt!

Có thử thách nào lại thiếu sự đồng cam cộng khổ. Có chiến công nào không kết tinh bởi trí tuệ, mồ hôi, máu và nước mắt của người dân nước Việt để trụ vững ngàn đời?

Sử ghi năm 218 Tần Thủy Hoàng dẫn nửa triệu quân sang đánh Bách Việt. Thủ lĩnh nước Nam là Thục Phán đã đánh thắng quân Tần, dựng nước Âu Lạc. Kinh thành Cổ Loa được xây dựng- từ đó. Nhưng Lý Bí- vua nước Vạn Xuân (sau khi đánh tan quân Lương xây thành Ô Diên phía Tây thành Đại La) đã bị nhà Tùy và nhà Đường lật đổ; để rồi suốt 1000 năm đằng đẵng nước Nam Việt bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Thế kỷ thứ VII (766 - 779), vị hào trưởng Phùng Hưng ở đất Đường Lâm (nay thuộc Sơn Tây) đã hiệu triệu muôn dân nổi dậy chống lại ách đô hộ của nhà Đường, vây thành Tống Bình giành độc lập. Nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Sử vàng cũng tỏ: Thế kỷ thứ X- năm 938, cũng tại đất Đường Lâm xuất hiện Ngô Quyền, vị tướng lĩnh có tài thao lược, bày chiến thuật gỗ vạt đầu nhọn bịt sắt đánh tan cuộc xâm lược của nhà Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành độc lập tự chủ, chấm dứt hơn nghìn năm nước Nam Việt chịu ách đô hộ của các vương triều phương Bắc. Trang sử độc lập, tự chủ cho dân tộc được mở ra.

Phùng Hưng- Bố Cái Đại Vương và Tiền Ngô Vương- Ngô Quyền, hai vị vua, hai vị anh hùng. Kỳ lạ thay, cả hai đều ở ấp Đường Lâm, mảnh đất tựa lựng vào núi Tản hùng vỹ- “núi Tổ của nước Nam” đậm huyền tích Tản Viên Sơn Thánh. “Đất thiêng sinh lắm anh hùng”. Thế đất kỳ vỹ, con người kỳ vỹ- Đường Lâm duy nhất trong lịch sử dân tộc là mảnh đất hai vua! Và hơn thế, đây còn là quê của bà Man Thiện- Mẹ anh hùng đã sinh hạ hai nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị: Trưng nữ Vương phất cờ khởi nghĩa chống quân Đông Hán những năm 40 của thiên niên kỷ thứ nhất trong lịch sử dân tộc. Cho đến nay vẫn còn hiện diện gần 100 di tích thờ phụng Hai Bà trên mảnh đất Thủ đô...

Trang vàng oanh liệt chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ghi, thời Trần ba lần ta đánh thắng quân Nguyên Mông; Lê Lợi giải phóng Đông Quan, tiêu diệt quân Minh thì cả ba lần vương triều Trần đều chọn vùng “Thăng Long địa trấn” làm nơi rút lui chiến lược. Và, đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam là trận chiến thắng Tốt Động- Chúc Động lừng vang khiến hơn 10 vạn quân Minh đại bại. Bến Ninh Kiều nghẽn dòng vì nước sông "tanh hôi vạn dặm", Tốt Động “thây chết đầy nội, nhơ để ngàn năm…”. Để giờ đây, trên mảnh đất làng Tốt Động vẫn còn dấu vết của trận “Điện Biên Phủ" thế kỷ thứ 15…Ở thế kỷ XIX- XX, các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ càng chứng minh "tứ trấn" xứng là áo giáp của Thủ đô với những Tam Hưng anh hùng, An toàn khu Vạn Phúc, Khu Cháy kiên cường, gái Suối Hai trai cầu Giẽ…

*****


Cùng với “tứ trấn” được lập ở Đông- Tây - Nam - Bắc quanh thành Thăng Long, năm 1070 Văn Miếu được lập và chỉ 5 năm sau (1075), khoa thi đầu tiên đã được mở để chọn người hiền tài cho nước nhà; năm sau (1076), vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám và đây là một thiết chế văn hóa để chăm lo việc học và hun đúc nhân tài. Qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều coi nhân tài là “nguyên khí của quốc gia”.

Cho nên, tính từ khoa thi đầu tiên đời Lý Nhân Tông đến kết thúc chế độ khoa cử phong kiến - năm 1919 đời Nguyễn Khải Định, Thăng Long “tứ trấn” có hàng trăm làng khoa bảng, rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc. Riêng các bậc Đại khoa đã hơn 500 vị, mà nhiều tên tuổi rạng danh, xếp hàng khai quốc công thần như Nguyễn Trãi; lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực; Thám hoa Giang Văn Minh; sử học Ngô Sỹ Liên; Kiều Phú; danh nhân Phùng Khắc Khoan, quan thanh liêm Tô Hiến Thành, nhà quân sự Ngô Thì Nhậm… Và bao bậc đại khoa văn chương làm lay động tâm hồn các thế hệ như Nguyễn Bá Lân, Kiều Oánh Mậu, Vũ Phạm Hàm; đại khoa giữ khí tiết trung quân như Lý Trần Quán; ôm mộng tìm đường cứu nước như Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền… Cũng trên mảnh đất chiến địa Tốt Động, vào thế kỷ 13 có chàng trai nghèo tên Đặng Ma La, đỗ Thám hoa lúc mười bốn tuổi và được coi là người khai khoa để mảnh đất nghèo- "phên giậu" ở phía Tây Thăng Long- Hà Nội có cả một nền học vấn thăng hoa dưới các triều vua: Làng Chi Nê, xã Trung Hòa đứng đầu danh sách với 10 vị tiến sỹ; làng Sơn Đồng 8 tiến sỹ; Lam Điền- gốc họ Đặng làm quan "Bao giờ núi Chúc hết cây, vực Ninh hết nước, Đặng này hết quan" ...

Hiện diện gần 5.000 di tích lịch sử mà tiêu biểu là Hoàng Thành - Thăng Long- Di sản văn hóa Thế giới; là Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám- “Ký ức thế giới” của UNESCO; là Hội Gióng- Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; là Làng cổ Đường Lâm; là Khu phố cổ Hà Nội và một hệ thống bảo tàng đa dạng nhất ở Việt Nam cùng hàng trăm làng nghề truyền thống và hàng nghìn lễ hội dân gian, Thủ đô Hà Nội quả không hổ là chốn “đế đô muôn đời”!
Đó là nền tảng bền vững bảo đảm thịnh trị cho mọi triều đại. Phải thế chăng mà đời nối đời, Văn Miếu Quốc Tử Giám uy nghiêm, khắc vào ký ức nhân loại nền tảng tri thức như biểu tượng của một quốc gia có cả nền Văn hiến nghìn đời và lịch sử dựng nước, giữ nước cũng nghìn đời. Sự hiện diện của các vùng khoa bảng ở “tứ trấn” đã xây nền văn hiến vững chắc, kết lắng trầm tích và giá trị văn hóa ngàn đời từ buổi đầu mở nước đến nay, xứng là "áo giáp" về mọi phương diện của Thủ đô.

*****


Xuân 2012, Hà Nội mở rộng đã gần ba năm rưỡi. Sự kết hợp của các vùng văn hóa đặc sắc: Văn hóa Thăng Long- Hà Nội, Văn hóa xứ Đoài, Văn hóa xứ Đông, Văn hóa vùng Sơn Nam Thượng đã làm nên một Thủ đô với lịch sử trải dài, trải rộng, hội tụ và kết tinh phẩm chất Văn hiến- Anh hùng!

Như chiếc áo chật chội, giờ Thủ đô đã rõ vóc dáng của Phù Đổng vươn mình tới nơi có núi, có đồi, có sông suối, đầm hồ nhìn sông tựa núi... Bệ đỡ bền vững của Thủ đô Hà Nội chính là trụ Văn hiến- Anh hùng, là đất trăm nghề với thuần phong mỹ tục, văn minh, thanh lịch. Mới thấy thấm tháp ý nghĩa của Chiếu dời đô và bài toán dời đô của cha ông!

Đường Xuân rộng mở! Năm con rồng 2012 đang đến với quyết tâm cao hơn vì Hà Nội giàu có văn minh. 4 trọng tâm mà Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị lần thứ 7 mới đây đã nhấn mạnh cho năm là kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; tiếp tục cải cách hành chính; đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, giải tỏa các điểm nút ùn tắc giao thông và tích cực xây dựng nông thôn mới. Trong lần làm việc với Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao trọng trách cho Thủ đô phải phấn đấu về trước cả nước một số mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản về CNH, HĐH và giữ vững ngôi vị đầu tàu của cả nước trên mọi lĩnh vực. Bộ Chính trị đã đồng ý ra Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020- một Nghị quyết không phải riêng cho Thủ đô mà cả nước đều thực hiện nhằm phát triển Thủ đô xứng với vị trí là trái tim của cả nước, đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế, làm động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, Vùng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước... Đó là “đỉnh” trí tuệ, sẽ giúp Hà Nội bứt phá ngoạn mục xứng với niềm tin của cả nước. “Mảnh đất đế đô muôn đời” đang nỗ lực hết sức, đối diện với bao khó khăn, thách thức để giữ ổn định và phát triển toàn diện.

Một bản Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa quan trọng không chỉ với riêng Thủ đô mà với cả nước. Rồi đây, không gian đô thị Hà Nội sẽ thành hình hài những chùm đô thị trung tâm- vệ tinh, các thị trấn- vùng nông thôn được kết nối bởi hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Điều đó cho ta hình dung về một Thủ đô hiện đại, văn minh.

****


Đường Xuân rộng mở! Xưa là khát vọng chiến thắng thiên tại giặc giã; nay là khát vọng chinh phục công cuộc đổi mới bằng chính con tim và khối óc của gần bảy triệu dân Thủ đô. Thành phố lớn thứ 17 trên thế giới này đang nắm trong tay hơn 70% số cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước- đội ngũ trí thức đó sẽ góp phần quan trọng đưa "cây trí tuệ"- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP lần thứ XV vào cuộc sống một cách sinh động nhất!

"Cơn lốc" đô thị hóa hôm nay với nhà nhà cao tầng hóa, đường bê tông rộng mở đang làm thay đổi diện mạo của các vùng quê và làm cho văn hóa "tứ trấn"- “cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” quanh Kinh thành Thăng Long thêm rực rỡ, văn hóa Thủ đô giàu có hơn, tỏa sáng hơn ở thế kỷ hai mươi mốt này!

Xuân khát vọng giục chúng ta chuyển mạnh mẽ trong năm con Rồng sôi động 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Xuân khát vọng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.