Theo dõi Báo Hànộimới trên

Theo đến cùng những bức xúc của xã hội

Hà Phong| 28/01/2012 09:14

(HNM) - Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, năm 2012, nhiệm vụ của ngành tư pháp được mở rộng, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các mặt hoạt động phải đi vào chiều sâu.


Nhiều điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ

Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục có những biến động, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến sự ổn định và tăng trưởng kinh tế của nước ta. Trong bối cảnh chung của đất nước, ngành tư pháp xác định tiếp tục bám sát nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Từ đó, chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đề xuất, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất, kinh doanh.


Các học viên nhận chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp công chức cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2011.

Ngoài nhiệm vụ mang tính chất vĩ mô kể trên, công tác trọng tâm năm 2012 của ngành tư pháp được xác định trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó ưu tiên tập trung giúp Chính phủ tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và đưa ra những đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo hướng đổi mới về chính trị, phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm quyền công dân.

Công tác thi hành án dân sự cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012 với mục tiêu tạo chuyển biến một cách bền vững, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Bên cạnh đó là hoàn thiện thể chế cho sự phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý… góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Để hoàn thành khối công việc đồ sộ kể trên, ngành tư pháp đang kiên trì phương châm hướng về cơ sở với dày đặc các chuyến đi của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị về địa phương, cùng với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những vướng mắc pháp luật liên quan sát sườn đến quyền lợi người dân. Đến thời điểm này, lực lượng tư pháp các tỉnh, thành phố đều đã xác định được các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012. Công tác triển khai ở mỗi địa phương trong những ngày đầu năm mới tuy có khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu chung là hoàn thiện thể chế, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tăng cường hội nhập quốc tế.

Đặc biệt những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân, đang có nhiều ý kiến bức xúc như hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý... đã được Sở Tư pháp Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lai Châu, Yên Bái, Đồng Nai biểu thị quyết tâm khắc phục hiện tượng "một cửa nhiều khóa" bằng những hành động cụ thể. Đó là: Cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký; tăng nhân lực, vật lực, không để người dân phải chờ đợi. Ở một số xã, phường của TP Đà Nẵng đã bố trí được hai công chức tư pháp hộ tịch để bảo đảm thường xuyên có người trực, giải quyết các việc về tư pháp, hộ tịch, chứng thực…

Liệu có hoàn thành đúng kế hoạch?

Nhìn vào khối lượng công việc và quyết tâm thi đua, ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực của ngành tư pháp ngay từ những ngày đầu năm đã có thể thấy nỗ lực vượt khó của không ít đơn vị. Tuy nhiên, không ít chuyên gia pháp luật vẫn còn e ngại về nỗ lực thay đổi "diện mạo" của ngành này. Theo luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, năm 2012, nhiệm vụ bổ sung cho ngành tư pháp khá nhiều. Trong khi đó, có những bất cập đã nhiều năm ngành chưa khắc phục được, đó là tình trạng chậm về tiến độ và hạn chế về chất lượng đề án, văn bản, nhất là nợ đọng các văn bản hướng dẫn; số lượng án tồn còn rất lớn với trên 230 nghìn việc; một số quy định về thực hiện dân chủ chưa được tổ chức thực hiện tốt.

Trên thực tế, dù ngày 10-1-2012 vừa qua là đã tròn 5 năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng tham gia "sân chơi" quốc tế chưa có nghĩa pháp luật Việt Nam tương thích với pháp luật quốc tế. Mấy năm qua, chúng ta đã xây dựng được các văn bản luật phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với cam kết của Việt Nam với các thành viên WTO như Luật Đầu tư (tổng hợp từ các quy định về đầu tư ở nhiều thể loại khác nhau), Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân hàng Nhà nước mới, Luật Các tổ chức tín dụng mới… Thế nhưng, vẫn còn không ít luật phải "chờ đợi" văn bản dưới luật thì mới có thể thi hành. Đặc biệt, có những văn bản hướng dẫn lại không phù hợp với tình hình thực tế. Điển hình là Luật Trọng tài thương mại được triển khai từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hướng dẫn thi hành xong. Hay như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai cũng còn một số vướng mắc. Hậu quả là Việt Nam vẫn có quá nhiều sơ suất, bất cập trong giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại quốc tế, không chỉ là hợp đồng giữa các doanh nghiệp mà còn có cả tranh chấp giữa tổ chức nước ngoài với cơ quan nhà nước. Đó là ở cấp trung ương, còn ở địa phương với 1.300 văn bản do chính quyền tự ban hành, qua rà soát đã cho thấy một thực tế buồn là có 60 văn bản phải bổ sung hoặc hủy bỏ, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam.

Mặc dù số văn bản không phù hợp chiếm tỷ lệ chưa đến mức báo động nhưng qua đây cũng có thể thấy, chất lượng cán bộ tư pháp ở cơ sở còn yếu. Bộ Tư pháp cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, song song với hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao trình độ cho đội ngũ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Theo đến cùng những bức xúc của xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.