Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư, phát triển hạ tầng xã hội: Yêu cầu cấp bách

Đà Đông| 22/03/2012 07:04

(HNM) - Đầu tư, phát triển hạ tầng xã hội luôn giữ vai trò trọng yếu trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô. Tại Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị có nêu rõ:


Những năm qua, hạ tầng cơ sở của Hà Nội đã được chú trọng đầu tư và đạt một số kết quả, góp phần tích cực đáp ứng các nhu cầu phát triển của nền kinh tế và phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng cơ sở của TP vẫn còn nhiều bất cập chưa theo kịp nhu cầu của nền kinh tế và chưa tương xứng với tầm vóc và vị thế của Thủ đô.


Đầu tư hạ tầng xã hội của Hà Nội là trọng tâm trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Ảnh: Huy Hùng

Ba Đình, quận trung tâm của Thủ đô với diện tích hơn 9.000km2, số dân trên 225 nghìn người cũng đang hằng ngày đối mặt với những khó khăn xuất phát từ những tồn tại trong cơ sở hạ tầng. Nhiều tuyến đường như Ngọc Khánh, Cao Bá Quát, ngã tư Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương chỉ cần mưa to đã ngập. Thiếu quỹ đất để xây trường mầm non, hiện 100% trường mầm non công lập trên địa bàn vượt tỉ lệ quy định về số trẻ/lớp. Sân chơi cho trẻ em cũng là điều cần bàn bởi diện tích dành cho cây xanh, cho sân chơi tại các khu tập thể, tái định cư trên địa bàn đang bị thu hẹp hoặc sử dụng sai mục đích. Thực hiện công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị theo hướng hiện đại bảo đảm "sáng - xanh - sạch - đẹp"; mục tiêu trước mắt đến năm 2015 Ba Đình phấn đấu giá trị sản xuất các ngành dịch vụ chiếm từ 65-70%. 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học và phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, tất cả học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và 100% phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Nằm ở phía bắc nội thành Hà Nội, được thành lập từ năm 1995 song quận Tây Hồ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Chọn tập trung GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội là một trong 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2011-2015, Tây Hồ phấn đấu phát triển kinh tế bền vững theo cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Quận đặt mục tiêu đến năm 2015 có 100% hộ dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 95% và xóa xong phòng học cấp 4. Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa còn thiếu. Hoàn thành các gói thầu phụ trợ của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, nhà máy xử lý nước thải, dự án cống hóa mương Thụy Khuê, sông Tô Lịch…

Mê Linh - huyện mới sáp nhập về lại Hà Nội từ năm 2008, cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế. Những năm gần đây, đã có 339 dự án với tổng diện tích đất được phê duyệt là 2.334ha, có tổng vốn đầu tư trên 39 nghìn tỷ đồng và hơn 363 triệu USD đăng ký đầu tư vào huyện song công tác đền bù, thu hồi, GPMB lại gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Vướng do đâu?

Một trong những nguyên nhân chủ yếu, gây ra những hạn chế của các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở ở Hà Nội là do chậm tiến độ, nhất là các dự án có liên quan đến đền bù, GPMB. Sự chậm trễ này đã khiến các dự án chậm đưa vào khai thác, ảnh hưởng đến phát huy hiệu quả đầu tư của công trình. Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ có rất nhiều như vướng mắc về cơ chế, chính sách đền bù, thiếu quỹ nhà tái định cư... sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan. Thất thoát và lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư. Việc chậm ban hành các quy hoạch phân khu chi tiết cũng là một nguyên nhân khiến việc đầu tư cho phát triển hạ tầng bị chững lại với lý do "chờ quy hoạch".

Trở lại với việc thiếu trường mầm non và tiểu học tại các khu vực nội thành, còn nhớ tại một buổi làm việc với lãnh đạo TP, đại diện một số quận trung tâm như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đều khẳng định không thiếu tiền xây trường mà vấn đề quan trọng là thiếu quỹ đất. Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Đức Học, từ đầu năm 2000 quận đã không còn đất trống để xây trường học, nên còn có 4 phường không có trường mầm non, khoảng 30% trẻ em trên địa bàn không được đến trường. Với những quận có đất ngoài đê như Tây Hồ, Ba Đình, Hai Bà Trưng, nhiều công trình công cộng không thể xây dựng hay nâng cấp do vướng các quy định của Luật Đê điều.

Những khó khăn trong huy động nguồn vốn cũng là lý do làm hạn chế kết quả đầu tư cho phát triển hạ tầng thời gian qua. Tháng 2 vừa qua, kết quả đợt giám sát thực hiện triển khai nghị quyết về tình hình phát triển KT-XH, phân bổ ngân sách cho thấy, đến nay nhiều địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp trong dự toán ngân sách. Đối với huy động nguồn lực tại chỗ, hầu hết các quận, huyện, thị xã hiện nay chỉ trông vào đấu giá đất. Tại đợt giám sát vừa qua các đơn vị đều xin được để lại 100% nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn đầu tư trở lại và phát triển kinh tế địa phương.

Hướng mở cho phát triển hạ tầng đồng bộ, bền vững

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển KT-XH Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tới năm 2030, người dân Thủ đô có thu nhập cao hơn mức trung bình của cả nước, được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống tốt, môi trường làm việc và đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện, an toàn.

Về hạ tầng xã hội, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô. TP sẽ phát triển mạnh hệ thống đường giao thông kết nối lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường vành đai nối Hà Nội với các tỉnh và kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của TP. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống đường xe điện ngầm, đường sắt đô thị, bao gồm tuyến đường sắt trên cao và đường sắt quốc gia. Xây dựng, hiện đại hóa hệ thống quản lý giao thông và mạng lưới giao thông tĩnh; các công trình ngầm: giao thông, bãi đỗ xe, kho tàng, cơ sở thương mại - dịch vụ... Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng ở ngoại thành để di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và bệnh viện ra khỏi khu vực nội thành. Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội thời kỳ 2011-2020 là 3.900-4.100 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương 180-190 tỷ USD) và thời kỳ 2012-2030 là 6.500-7.000 nghìn tỷ đồng (tương đương 300-320 tỷ USD).

Đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội của Hà Nội là trọng tâm trong quá trình xây dựng, phát triển của Thủ đô. Nghị quyết số 13-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, các quy hoạch và chiến lược phát triển của Hà Nội vừa được Chính phủ phê duyệt là những tiền đề quan trọng để Thủ đô từng bước phát triển vững chắc, sớm hoàn thiện và đồng bộ cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa lại không hề đơn giản mà cần có tầm nhìn chiến lược và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà mỗi quận, huyện, thị xã là một mắt xích quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư, phát triển hạ tầng xã hội: Yêu cầu cấp bách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.