Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 10: Mở rộng đối tượng đánh giá cán bộ

Lê Hương| 30/03/2012 07:28

(HNM) - Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI)


Những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp cần được sắp xếp phù hợp, có cơ chế kịp thời thay thế, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Đây cũng chính là những nội dung Đảng bộ huyện Phú Xuyên đã và đang triển khai nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu. Đồng chí Trương Thế Cầu, TUV, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên đã dành cho Báo Hànộimới cuộc trao đổi về những đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ của địa phương.

- Vấn đề cấp bách thứ hai mà Nghị quyết TƯ 4 đề cập cũng là mục tiêu chương trình công tác của Huyện ủy Phú Xuyên nhiệm kỳ 2010-2015 là xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Xin đồng chí cho biết kết quả bước đầu đổi mới công tác đánh giá cán bộ của địa phương?

- Những hạn chế, yếu kém của công tác cán bộ hiện nay đã được Nghị quyết TƯ 4 đề cập rất rõ. Đó là, một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc; bố trí cán bộ không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước. Đây là thực tế ở nhiều nơi và Phú Xuyên không phải ngoại lệ.

Sớm nhìn nhận vấn đề, ngay sau đại hội Đảng bộ, Huyện ủy đã xác định trong nhiệm kỳ này cần chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chương trình "Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý" của Huyện ủy đã ra đời, tập trung vào giải quyết khâu yếu nhất hiện nay là đánh giá, nhận xét cán bộ. Theo quy định, công việc này tiến hành một năm một lần, cá nhân tự nhận xét, đánh giá, sau đó đưa ra tập thể có thẩm quyền tiếp tục nhận xét, đánh giá. Cách đánh giá như vậy phạm vi hẹp, chỉ gói gọn trong đơn vị và cấp quản lý cán bộ, khó tránh khỏi sự nể nang, né tránh. Cho nên, chúng tôi quyết tâm đổi mới, mở rộng đối tượng tham gia đánh giá cán bộ để bảo đảm tính khách quan, trung thực và quyết định 6 tháng đánh giá cán bộ một lần. Cán bộ thuộc diện đánh giá được giới thiệu lấy ý kiến của nhiều người thông qua hình thức bỏ phiếu kín. Quan điểm của Huyện ủy là, trong một năm, nếu cả hai lần đánh giá đều cho kết quả yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải điều chuyển đi nơi khác hoặc không bổ nhiệm cán bộ đó chứ không chờ hết nhiệm kỳ. Năm 2011, chúng tôi đã áp dụng cách này để đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đã có chuyển biến tích cực, bản thân cán bộ nhận thức được mình phải phấn đấu để hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự trì trệ - căn bệnh của không ít cơ quan, đơn vị, những người đứng đầu từng bước được khắc phục.

- Sau một năm mạnh dạn đổi mới cách đánh giá, nhận xét cán bộ, theo đồng chí cái được lớn nhất là gì?

- Đó là sự thay đổi về tư duy, nhận thức của bản thân người cán bộ; kết quả đánh giá, nhận xét cán bộ đã từng bước phản ánh đúng thực chất. Sau một năm thực hiện đổi mới cách đánh giá, số cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao chiếm tỷ lệ cơ bản. Tuy nhiên, cũng có một số chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao giảm hơn nhiều so với các năm trước. Trước đây, có không ít đơn vị kết quả hoạt động không có gì xuất sắc, nổi trội, thế nhưng cán bộ đứng đầu vẫn tự nhận mình là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cái được thứ hai là củng cố mối quan hệ giữa các phòng, ban của huyện và giữa cán bộ huyện với cơ sở. Chẳng hạn khi đánh giá một đồng chí trưởng phòng, chúng tôi mời lãnh đạo các xã, thị trấn tham gia bỏ phiếu. Muốn nhận được sự đánh giá tốt, đồng chí trưởng phòng này phải tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết công việc của cơ sở cho nhanh chóng, kịp thời. Nếu còn trì trệ, chắc chắn lần đánh giá sau, lãnh đạo các xã sẽ không bỏ phiếu cho cán bộ này nữa. Rõ ràng, cách làm này đã gắn kết được trách nhiệm giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các cơ quan chuyên môn với nhau trong giải quyết công việc của dân.

- Công tác cán bộ cực kỳ khó khăn, phức tạp, làm sao để tránh được sự xáo trộn về tâm lý của đội ngũ cán bộ địa phương?

- Quan điểm của Huyện ủy là không sợ xáo trộn. Sau khi xem xét, đánh giá đội ngũ cán bộ, trên cơ sở năng lực, trình độ cán bộ, tập thể Ban Thường vụ sẽ sắp xếp, bố trí cho hợp lý. Nếu cán bộ ở vị trí hiện tại không đảm đương được thì chuyển vị trí khác và vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm việc. Ở vị trí quan trọng hơn thì sắp xếp cán bộ có năng lực, trình độ, có tính quyết đoán, tạo điều kiện cho đồng chí ấy phát huy năng lực, sở trường. Dựa trên kết quả đánh giá vừa qua, tháng 5 tới chúng tôi sẽ điều chuyển, sắp xếp, luân chuyển cán bộ không riêng ở cấp huyện mà cả cấp xã nhằm khắc phục tư tưởng "ngồi im" sau bầu cử hay tình trạng trước bầu cử sốt sắng, sau bầu cử thì trì trệ.

Hiện tại ở Phú Xuyên có khoảng hơn 2/3 cán bộ cấp xã đáp ứng được yêu cầu về mọi mặt, tuy nhiên vẫn còn một số ít chưa tốt nghiệp cấp III. Huyện ủy đã yêu cầu các đồng chí này trong năm 2012 phải đăng ký học hoàn thiện, nếu không sẽ kiên quyết chuyển sang công tác khác. Tôi cho rằng, cái gì phải bắt đầu từ cơ sở, cơ sở yên ổn làm tốt thì huyện tốt, TP tốt. Nhưng có thực tế, nếu có luân chuyển cán bộ cũng chỉ bố trí được một số vị trí vì khó khăn của Phú Xuyên cũng như nhiều huyện khác đó là đội ngũ cán bộ nguồn của cấp xã còn thiếu và yếu; cần phải làm từng bước. Do vậy, quan điểm của Huyện ủy là, với cán bộ có chuyên môn giỏi nhưng tinh thần, trách nhiệm chưa tốt thì buộc phải sắp xếp; còn với những cán bộ có trách nhiệm với công việc, song trình độ, năng lực chuyên môn còn hạn chế thì huyện tiếp tục bồi dưỡng phương pháp, cách làm… Chỉ có quyết liệt làm như vậy mới tạo được sự chuyển biến thực sự trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4.

- Có rất nhiều ý kiến cho rằng, ngoài tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy các cấp cần có một cơ chế cụ thể để dân tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 của cán bộ, đảng viên. Đồng chí có đồng ý với nhận định này?

- Tôi cho rằng yếu tố quyết định đến giá trị Nghị quyết TƯ 4 sau khi đi vào cuộc sống chính là nhận thức và hành động của cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu. Tuy vậy, hiện nay, ở cấp xã, cán bộ làm gì, dân dễ dàng đánh giá, nhưng từ cấp huyện đến cấp TP, TƯ, dân khó giám sát, chỉ kỳ vọng vào tinh thần tự giác, quyết tâm hành động của cấp trên.

Việc giám sát cán bộ thế nào, người dân đóng góp thế nào, cần có một cơ chế cụ thể. Theo tôi, chỉ bằng các giải pháp về cán bộ, người xã này đưa sang xã khác làm cán bộ, có vậy người dân dễ giám sát nhất. Bởi trong cùng cộng đồng làng xã bị chi phối nhiều mối quan hệ dòng tộc, hàng xóm láng giềng khiến dân khó mở lời phê phán cán bộ.

Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, chúng tôi đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Bằng chính hành động và việc làm của mình, Đảng bộ huyện Phú Xuyên sẽ trả lời và giải quyết những vấn đề Nghị quyết TƯ 4 đặt ra. Bản thân tôi với cương vị là người đứng đầu cấp ủy sẽ phải tự kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn nói khuyết điểm của mình để các đồng chí cấp dưới làm theo.

- Xin cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 10: Mở rộng đối tượng đánh giá cán bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.