Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có bền vững khi thách thức kinh tế gia tăng?

Lâm Vũ| 12/06/2012 06:47

(HNM) - Trong những năm gần đây, chỉ số phát triển con người của Việt Nam có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tăng trưởng về thu nhập đóng góp tới hơn một nửa trong mức tăng chỉ số này. Liệu chỉ số phát triển con người của nước ta có tiếp tục được giữ vững khi những thách thức về kinh tế đang ngày một gia tăng?

HDI tăng nhưng chưa bền vững

Theo báo cáo quốc gia về phát triển con người năm 2011 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, chỉ số phát triển con người (HDI), thước đo tổng hợp về sức khỏe, giáo dục và thu nhập của Việt Nam năm 2011 là 0,728, tăng 11,8% so với giai đoạn 1999-2008. Tuy nhiên, chỉ số thu nhập đóng góp tới 55,7% vào tăng trưởng HDI, còn chỉ số tuổi thọ trung bình là 31,8% và chỉ số về giáo dục là 12,6%. Điều đó có nghĩa bước tiến về giáo dục và y tế còn chậm. Điều đáng nói là chỉ số HDI nêu trên gần với khái niệm HDI tiềm năng hơn là HDI thực tế - bà Setsuko Yamazakia, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đánh giá.

Kinh tế hiện có nhiều biến động, chỉ số lạm phát và giá tiêu dùng liên tục gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng phát triển con người. Ảnh: Đàm Duy

Trong hai mươi năm qua, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng thêm 37%. Những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong từng chỉ số thành phần của HDI cho thấy tiến bộ chung về phát triển con người chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1990 đến năm 2011, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã tăng đáng kinh ngạc với mức 228%. Chỉ số tuổi thọ của Việt Nam cũng tăng đáng kể từ 0,71 (tức 67,8 tuổi năm 2000) lên tới 0,83 (tức 75,2 tuổi năm 2011). Phân tích thành tựu trong 40 năm qua cho thấy so với các nước Châu Á khác, Việt Nam đạt điểm khá cao về nhóm chỉ số sức khỏe, cụ thể tuổi thọ của người Việt Nam cao hơn so với Thái Lan (69,3) và tuổi thọ bình quân ở khu vực Đông Á, Thái Bình Dương (72,8).

Về giáo dục, chỉ số phát triển giới cho thấy vẫn còn khoảng cách giới trong giáo dục ở các tỉnh nghèo nhất. Ở một số tỉnh, tỷ lệ người lớn biết chữ là nữ thấp hơn 20-30% so với nam. Ví dụ, ở Lai Châu, tỷ lệ này của nữ là 48% so với 75,5% của nam. Chi tiêu công cho giáo dục ở Việt Nam tương đương các nước khác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Tuy nhiên, kết quả giáo dục thì kém so với các nước láng giềng. Ví dụ, tỷ lệ trẻ mầm non đi học còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng. Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trẻ đến lớp đạt mức cao nhất (27% đối với nhà trẻ, 79% đối với mẫu giáo), thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (3% đối với nhà trẻ, 45% đối với mẫu giáo) và các tỉnh Tây Nguyên (6% với nhà trẻ, 39% đối với mẫu giáo).

Làm gì để phát triển con người?

Theo TS Trịnh Thị Kim Ngọc, Viện Nghiên cứu con người, những thách thức đối với phát triển con người Việt Nam nhìn từ góc độ kinh tế là rất lớn. Mô hình kinh tế nước ta hiện tăng trưởng cao, nhưng chủ yếu theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh đều thấp. Nền kinh tế vẫn dựa trên các trụ cột thiếu bền vững là nguồn vốn tài chính và nguồn nhân lực phổ thông giá rẻ. Hệ số sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam liên tục tăng, năm 2011 là 5,75, nghĩa là phải đầu tư 5,75 đồng vốn để có được một đồng tăng trưởng. Hệ số ICOR cao chứng tỏ tăng trưởng kinh tế không dựa chủ yếu vào yếu tố công nghệ. So sánh với các nước trong khu vực, ICOR của Việt Nam gần gấp đôi, đồng nghĩa hiệu suất đầu tư của nước ta chỉ bằng một nửa. Tuy có tăng trưởng nhưng trên một nền tảng thiếu bền vững, nên nền kinh tế nước ta khó có thể duy trì nhịp tăng trưởng như thời gian đã qua, các nhà nghiên cứu nhận định.

Thêm nữa, nền kinh tế hiện có nhiều biến động, chỉ số lạm phát và giá tiêu dùng liên tục gia tăng, không chỉ khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến chất lượng và sự bền vững của cả nền kinh tế, xét cả về trung hạn và dài hạn. Chỉ số giá tiêu dùng ở nước ta trong 10 năm qua liên tục tăng, từ mức 3% đến 4% vào đầu những năm 2000, đã tăng vọt lên mức 19,89% năm 2008 và dừng lại ở con số 18,13% năm 2011. Trên thực tế, người lao động hưởng lương từ lâu đã không thể sống chỉ bằng lương, vì mức lương này chỉ đủ chi phí cho 30% nhu cầu tiêu dùng của họ. Hơn nữa, giá cả thị trường leo thang nhanh hơn mức tăng lương nên dù lương tối thiểu đã tăng cũng chỉ cải thiện một cách cục bộ đời sống của người lao động. Ngoài tiền lương, nền kinh tế chưa tạo được cho người dân một môi trường làm việc an toàn, nhiều doanh nghiệp cũng đang trên đà phát triển thiếu bền vững nên người lao động khó có cơ hội thăng tiến. Các dấu hiệu suy giảm này ngày càng bộc lộ rõ nét trên mọi lĩnh vực kinh tế, từ sản xuất kinh doanh đến tiêu dùng trong nước.

Để giữ vững chỉ số phát triển con người, về góc độ kinh tế, TS Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng, điều quan trọng bậc nhất là Việt Nam cần xây dựng một định hướng chính sách tăng trưởng kinh tế đúng đắn, nhất quán trong mục tiêu tăng trưởng vì tiến bộ xã hội và phát triển con người bền vững, trong đó phải làm sao để giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Có bền vững khi thách thức kinh tế gia tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.