Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ Chí Minh, một nhà báo chân chính nhất

Lê Xuân Đức| 21/06/2012 07:01

(HNM) - Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết, nhiều thời gian cho hoạt động báo chí, lấy báo chí làm vũ khí sắc bén tiến công kẻ thù, và là phương tiện hoạt động có hiệu quả, nhanh nhạy trong quá trình vận động cách mạng.


Nếu tính từ năm 1919 ký tên Nguyễn Ái Quốc với bài báo Tâm địa thực dân và bài Vấn đề dân bản xứ để phản ứng quyết liệt Đơvila đăng bài Giờ phút nghiêm trọng trên tờ Courrier Colonial ra ngày 27-6-1919 với những luận điệu xảo trá tuyên truyền việc khai hóa cho dân bản xứ của chủ nghĩa thực dân, đến bài báo cuối cùng vào tháng 5-1969: Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng ký tên TL thì Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài báo, ký hơn 100 bút danh khác nhau bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Trung Quốc, Anh, Nga… Đó là một con số kỷ lục.


Tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút.

Hồ Chí Minh không chỉ trực tiếp viết báo mà còn là người sáng lập và chủ bút một số tờ báo nổi tiếng; là người mở hướng, khơi nguồn và đặt nền móng vững chắc cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày 1-4-1922, giữa Thủ đô Pari của nước Pháp, tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) của Hội Liên hiệp thuộc địa ra số đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Trong tờ truyền đơn cổ động cho Báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc nói rõ, tờ báo sẽ giúp nhân dân thuộc địa “thoát khỏi ách nô lệ… dắt dẫn mọi người bị bóc lột thuộc mọi mầu da đoàn kết lại dưới lá cờ đỏ búa liềm trong một phong trào cách mạng quốc tế rộng lớn quét sạch mọi kẻ bóc lột mà chúng ta là những người cùng khổ”.

Trên tờ báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc đã cho đăng 30 bài thuộc nhiều thể loại khác nhau: Xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký, tranh vẽ… Nội dung những bài viết đều tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và nhân dân các thuộc địa khác trên thế giới, đồng thời chỉ ra con đường duy nhất để có độc lập, tự do và bước đầu vạch phương hướng bảo đảm cho cuộc đấu tranh giải phóng đi đến thắng lợi.

Khi làm Báo Le Paria bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ đến xuất bản một tờ báo tiếng Việt cho người Việt. Nhưng yêu cầu mới của việc hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp chưa kịp thực hiện. Trong thời gian ở Liên Xô, ngoài việc tiếp tục gửi bài, chăm lo cho sự phát triển của tờ Le Paria, Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài đăng Tập san Quốc tế cộng sản, Báo L Humanite, Báo Lavie Ouvriere và Báo Pravđa.

Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng và cho ra đời tờ báo Thanh niên - tờ báo mở đầu cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Đầu xuân 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Những năm 1941, 1942, Người tập trung cho công việc trọng tâm tập hợp quần chúng, xây dựng phong trào, tổ chức lực lượng, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, quán triệt và làm đúng đường lối cách mạng, tổ chức nhân dân vào các Hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, Bác quyết định cho ra tờ báo Việt Nam độc lập. Vượt lên những khó khăn, với kinh nghiệm của người từng làm báo, Bác trực tiếp phụ trách tờ báo (Tòa soạn báo lúc ấy chỉ có 3 người). Sau một thời gian chuẩn bị, Báo Việt Nam độc lập ra số đầu tiên ngày 1-8-1941. Mục đích của Báo Việt Nam độc lập, được nói rõ trên trang nhất của số báo đầu tiên: “Cốt làm cho dân ta hết nghèo, biết các việc, biết kết đoàn, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam bình đẳng, tự do”. Cũng trong số báo đầu tiên, để cổ động và giới thiệu tờ báo và để đồng bào dễ đọc, dễ hiểu, dễ thuộc, Bác cho đăng bài Khuyên đồng bào mua Báo Việt Nam độc lập viết theo thể song thất lục bát, gồm 17 câu: “Đế quốc thật ác nghiệt/ Làm dân ta như điếc như mù/ Làm ta dở dại dở ngu/ Biết gì việc nước biết đâu việc đời/ Báo “độc lập” hợp thời đệ nhất/ Làm cho ta mở mắt mở tai/ Cho ta biết đó biết đây/ Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian/ Cho ta biết kết đoàn tổ chức/ Cho ta hay sức lực của ta/ Cho ta biết chuyện gần xa/ Cho ta biết nước non ta là gì/ Ai không chịu ngu si mù tối/ Ắt phải xem báo ấy mới nên/ Giúp cho báo ấy vững bền/ Càng ngày càng lớn cùng truyền khắp nơi/ Khuyên đồng bào nhớ bấy nhiêu lời”.

Thời gian đầu, hầu như tất cả các số báo đều có bài viết của Bác với nhiều thể loại, các bài viết tập trung tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn tay sai, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết dân tộc, hăng hái tham gia các Hội cứu quốc của Việt Minh. Nhiều bài báo phân tích sâu sắc, nhạy bén về tình hình nhiệm vụ cách mạng, giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu đúng, hành động đúng với chủ trương của Đảng. Báo Việt Nam độc lập đã góp phần to lớn vào việc tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cũng cần biết thêm, Báo Việt Nam độc lập từ số đầu đến số ra ngày 21-12-1942 Bác đã cho đăng 17 bài thơ, bài ca với nhiều chủ đề. Tính đến tháng 8-1942, khi Bác Hồ đi công tác nước ngoài, Báo Việt Nam độc lập đã ra được 30 số, Bác phân công đồng chí Tống (tức Phạm Văn Đồng - LXĐ) thay Bác chỉ đạo tờ báo. Sau Cách mạng Tháng Tám, Báo Việt Nam độc lập tiếp tục xuất bản ở Cao - Bắc - Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn). Ngoài những tờ báo trên, Bác còn là người chỉ đạo trực tiếp những tờ báo lớn của Đảng như: Tiên phong, Cờ Giải phóng, Sự thật, Nhân Dân…

Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến ngày Bác đi xa, Bác vẫn viết báo. Những năm tháng này tiếng nói của Bác trên báo chí mang theo những danh nghĩa mới, đặc biệt với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Bác nhân danh cho đất nước, nhân dân để phát biểu, bình luận những vấn đề hệ trọng của đất nước, dân tộc và thời đại.

Ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã khẳng định Hồ Chí Minh là nhà báo lớn, nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu Quan điểm báo chí và giá trị to lớn báo chí Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ Chí Minh, một nhà báo chân chính nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.