Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội dành 67.000 ha đất cho phát triển hạ tầng

H.V| 11/07/2012 11:01

(HNMO) - Sáng 11/7, HĐND Thành phố Hà Nội đã thảo luận và thông qua Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 của Hà Nội.


Mục tiêu của quy hoạch là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp và đô thị để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô Hà Nội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; Duy trì quy mô hợp lý đối với đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, đất di tích - danh lam - thắng cảnh; cân đối quỹ đất để đáp ứng yêu cầu xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, công nghệ cao, mặt bằng sản xuất kinh doanh;

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với điều kiện đất đai, nâng cao năng suất cây trồng, nhằm đảm bảo một phần chiến lược an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu nông sản cho xã hội, nguyên liệu cho công nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn; Bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu;

Đồng thời, sử dụng đất hợp lý, có hiệu quả, đảm bảo đầy đủ quỹ đất cho các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng an ninh và được phân bổ hợp lý trên địa bàn Thành phố; Tạo cơ sở để quản lý thống nhất đất đai trong lãnh thổ và làm căn cứ để giao đất, thu hồi đất... theo đúng thẩm quyền; Làm căn cứ cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chuyên ngành, lập quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã của Thành phố;

Ngoài ra, quy hoạch cũng nhằm hình thành hệ thống thông tin, tư liệu về đất đai, phục vụ cho công tác quản lý đất đai một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm và có hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn theo hướng cân bằng sinh thái, ổn định sử dụng đất bền vững; Làm cơ sở cân đối giữa các khoản thu ngân sách từ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các loại thuế có liên quan đến đất đai với các khoản chi cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.


Tính đến năm 2010, tổng diện tích đất tự nhiên của Thành phố là 332.889 ha, cơ cấu sử dụng đất theo các mục đích như sau: Đất nông nghiệp 188.365 ha chiếm 56,58% diện tích đất tự nhiên; Đất phi nông nghiệp 135.193 ha chiếm 40,61% diện tích đất tự nhiên; Đất chưa sử dụng còn 9.331 ha, chiếm 2,8% diện tích đất tự nhiên.

Xuất phát từ thực trạng kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng, tiềm năng đất đai, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001 - 2010 và kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất, khả năng huy động các nguồn lực, quan điểm và định hướng sử dụng đất, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, Quy hoạch sử dụng đất của Thành phố đến năm 2020 được thực hiện theo phương án tập trung đầu tư khai thác tiềm năng và thế mạnh của thành phố, trên cơ sở thu hút các nguồn đầu tư ở trong và ngoài thành phố để tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, nhiều giá trị gia tăng như đóng tàu, cơ khí chế tạo thép cao cấp, công nghiệp phần mềm... Tăng nhanh các dịch vụ chủ lực, các sản phẩm dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao phù hợp với lợi thế của thành phố. Nông - lâm nghiệp thuỷ sản phát triển theo hướng sinh thái, công nghệ cao, hướng vào xuất khẩu, gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Theo đó, các loại đất được sử dụng như sau:

Đất nông nghiệp đến năm 2020 có diện tích là 152.248 ha giảm 36.117 ha so với năm 2010 để đáp ứng cho phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ của Thành phố; diện tích đất nông nghiệp còn lại sẽ được quy hoạch thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành. Diện tích đất lúa được giữ ổn định ở mức trung bình khoảng 92.000 ha.

Đất phi nông nghiệp đến năm 2020 là 178.830 ha, tăng 43.637 ha so với năm 2010, diện tích tăng được tính toán cho từng loại đất.

Đối với đất đô thị: cải tạo, nâng cấp các khu đô thị đã xây dựng, bảo vệ cảnh quan, nguồn di sản kiến trúc đô thị có giá trị. Phát triển các khu đô thị và các trung tâm đô thị mới hiện đại có chất lượng, có tính cạnh tranh và sự hấp dẫn cao. Phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiệu quả. Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng bảo vệ một hệ khung thiên nhiên như hệ thống sông, hồ, vùng cây xanh, mặt nước trong khu vực nội thị, hệ sinh thái ngoại thành và phụ cận...

Đối với đất khu dân cư nông thôn: các khu dân cư quy hoạch được bố trí phù hợp với quy hoạch chung của Thành phố về mặt phát triển không gian theo hướng văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Việc bố trí đất cho các mục đích: đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp; đất quốc phòng, an ninh; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất có mục đích công cộng… trên cơ sở đáp ứng nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn đảm bảo tiết kiệm, hợp lý trong sử dụng đất.

Đáng chú ý, Thành phố dành quỹ đất cho các quận, huyện xây các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, thương mại để phát triển kinh tế khoảng 15.000 ha; đất cho xây dựng hạ tầng dự kiến khoảng 67.000 ha.

Theo phân kỳ quy hoạch, giai đoạn 2011-2015, diện tích đất nông nghiệp giảm để chuyển sang mục đích phi nông nghiệp là 27.193 ha, trong đó có 11.114 ha chuyển sang đất phát triển hạ tầng; 4.609 ha chuyển sang đất ở.

Về đất phi nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2015 của Thành phố là 162.783 ha, tăng 27.590 ha so với năm 2010, trong đó đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp đến năm 2015 là 1.970 ha; đất quốc phòng, an ninh đến năm 2015 là 14.228 ha; đất khu, cụm công nghiệp đến năm 2015 có 5.520 ha; đất cho hoạt động khoáng sản đến năm 2015 có 515 ha; đất phát triển hạ tầng, gồm đất giao thông đến năm 2015 là 27.416 ha, tăng 4.521 ha so với hiện trạng, đất thủy lợi đến năm 2015 là 18.458 ha. tăng 2.482 ha so với hiện trạng; đất công trình năng lượng đến năm 2015 là 952 ha; đất công trình bưu chính viễn thông đến năm 2015 là 322 ha; đất cơ sở văn hóa đến năm 2015 là 1.910 ha; đất cơ sở y tế đến năm 2015 tăng 250 ha lên 629 ha; đất giáo dục đào tạo đến năm 2015 tăng 3.490 ha lên 6.459 ha; đất thể dục thể thao đến năm 2015 tăng 296 ha lên 1.381 ha; đất cơ sở nghiên cứu khoa học đến năm 2015 tăng 431 ha lên 476 ha; đất cơ sở dịch vụ xã hội đến năm 2015 tăng 97 ha lên 158 ha; đất chợ đến năm 2015 tăng 307 ha lên 553 ha.

Trước khi biểu quyết thông qua Quy hoạch, các đại biểu HĐND Thành phố đã dành nhiều thời gian cho ý kiến về Quy hoạch. Nhất trí với tầm quan trọng và sự cần thiết ban hành quy hoạch, điều được nhiều đại biểu quan tâm là cần bổ sung quy hoạch chi tiết về đất giãn dân, giãn cư; cân nhắc việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa đồng thời kiên quyết giữ vững diện tích đất trồng lúa theo đúng quy hoạch.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp được tính toán dựa trên chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao cho Hà Nội. Khi tiến hành lập quy hoạch, Hà Nội có thuận lợi cơ bản là đã có Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, có những khu vực phát triển văn hóa, cơ sở hạ tầng...

Phó Chủ tịch cho biết, đất trồng lúa của Hà Nội hiện tập trung chủ yếu tại các huyện thuộc Hà Tây cũ như Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín. Các khu vực khác phải bảo đảm về thủy lợi, tưới tiêu… thì mới có thể dùng trồng lúa được. Hiện có những mảnh ruộng rất đẹp nhưng trong quá trình phát triển theo quy hoạch của Thủ đô, vài năm nữa sẽ bị quây trong đô thị nên sẽ không phù hợp để trồng lúa.
Về đất giãn dân và đất dịch vụ, UBND Thành phố đang chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng hạ tầng để trả đất dịch vụ cho dân theo đúng quy định của luật.

Quy hoạch đã được HĐND Thành phố biểu quyết thông qua với 78,9% đại biểu tán thành.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu HĐND Thành phố cũng đã thông qua nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012.

Trước khi biểu quyết thông qua, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến xây dựng nghị quyết. Một vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm đó là Thành phố cần nhanh chóng có những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Theo các đại biểu, giải pháp hiệu quả nhất tại thời điểm này là Thành phố cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận các quỹ hỗ trợ của Thành phố. Đồng thời, Thành phố cần có chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng.

Đồng tình với đánh giá và đề xuất của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, Thành phố đang rất quan tâm đến vấn đề này và đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai gói hỗ trợ lãi suất trị giá 60 tỷ đồng, kết hợp với các chương trình hỗ trợ, bình ổn giá...

Ở nhóm nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường trong 6 tháng cuối năm, HĐND Thành phố đã yêu cầu UBND Thành phố thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tiếp tục tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và duy trì tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp: hỗ trợ lãi suất, ưu tiên bảo đảm ổn định điện cho sản xuất; thực hiện kế hoạch phân phối điện hợp lý đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống…

Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn về lãi suất ngân hàng, ưu tiên tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu và các mục tiêu an sinh xã hội; Tổ chức thực hiện có hiệu quả dự toán chi ngân sách, quản lý và sử dụng có hiệu quả các khoản chi ngân sách để góp phần thúc đẩy thị trường, giảm hàng tồn kho cho các doanh nghiệp sản xuất; Phát triển thị trường nội địa, tiếp tục cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch; tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

HĐND Thành phố cũng đề nghị tập trung thực hiện các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất kinh doanh: phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến; bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn; Phát huy tác dụng của các quỹ của Thành phố (Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ xúc tiến thưong mại, Quỹ hỗ trợ nông dân,...) trong việc hỗ trợ đầu tư, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại và tính hiệu quả trong việc hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm, thoát nghèo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội dành 67.000 ha đất cho phát triển hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.